Bác sĩ - Luật sư Trâm: Vị cứu tinh của nhiều gia đình người nhiễm HIV

daikieu daikieu @daikieu

Bác sĩ - Luật sư Trâm: Vị cứu tinh của nhiều gia đình người nhiễm HIV

Suốt mười mấy năm qua, bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm vẫn âm thầm tìm đến, lắng nghe “đủ chuyện trên đời” và hỗ trợ cho người có H những vấn đề về pháp lý khó nói.

25/04/2017 05:18 PM
203

Lần đầu tiên gặp bà trong hội thảo trợ giúp pháp lý cho người có H (HIV/AIDS), tôi khá ngạc nhiên trước một phụ nữ cao tuổi, bước đi có phần chậm chạp nhưng khi đứng lên thuyết trình, tất cả những dấu ấn của tháng năm dường như bị gác lại hết sau lưng.

Chứng kiến những phận đời có H, nghe bà chia sẻ, mới hiểu tại sao suốt mười mấy năm qua, bỏ ngoài tai những khen chê của người đời, bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm vẫn âm thầm tìm đến, lắng nghe “đủ chuyện trên đời” và hỗ trợ cho người có H những vấn đề về pháp lý khó nói, khó giải quyết.

Nụ cười và cả những giọt nước mắt…

Lần gặp mới đây, tôi thấy bà rất vui. Bà khoe, mình và anh chị em trong trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế về HIV/AIDS vừa giúp được một cháu bé ở Hà Đông (Hà Nội) chiếc xe đạp để cháu tiếp tục đi học.

Bà kể, cháu là con của một cặp vợ chồng có H, đang học ở Thanh Xuân thì bố mẹ chuyển chỗ ở, phải vào Hà Đông để học. Một thời gian sau, mẹ cháu chuyển ra Thanh Xuân, muốn xin cho con chuyển trường thì nhà trường lấy lý do đã muộn thời gian nhập học nên không đồng ý. Cả gia đình có một chiếc xe máy cũ mà phải đưa đón cả hai đứa con thì không xuể.

Bác sĩ - Luật sư Trâm: Vị cứu tinh của nhiều gia đình người nhiễm HIV - Ảnh 1

Luật gia, bác sĩ Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế về HIV/AIDS.

Cơ hội đi học trở lại của cậu bé dường như bị đóng sập lại. Bà và các cán bộ Trung tâm đã đến làm việc với nhà trường ở Thanh Xuân nhiều lần nhưng bất thành.

“Nhà trường đưa ra lý do là muộn nhập học nhưng thực chất là họ ngại vì biết cháu là con em trong gia đình có người nhiễm H”, bác sĩ Trịnh Thị Lê Trâm chia sẻ.

Có chiếc xe đạp Trung tâm mua tặng, được tiếp tục đến trường, cháu bé gọi điện bảo: “Bà ơi, con đi học lại vui lắm”. Điều đó khiến vị Luật gia già rất xúc động. Tuy nhiên, bà ngậm ngùi nói, đây không phải trường hợp duy nhất mà bà từng gặp phải khi các cháu bé có H, con em của những người có H phải kêu cứu vì không được đến trường.

Trước đó, có trường hợp ở Hưng Yên, Hải Dương, ngoại thành Hà Nội, một cháu bé mồ côi ở với ông bà, bố mẹ mất vì có H, dù đã 8-9 tuổi vẫn không được nhận vào lớp 1. Bà lặn lội đến tận nơi để làm việc với nhà trường và các cơ quan chức năng, đấu tranh bằng được cho cháu được đến lớp. Đến khi cháu lên 10 tuổi mới được nhận vào học. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, khi gặp phải sự kỳ thị của bạn bè, phụ huynh học sinh, cháu bé cũng phải nghỉ học. Bà lại một lần nữa đến tận nơi vận động cháu học trở lại, đồng thời làm công tác tư tưởng với nhà trường và các phụ huynh khác. Mãi đến 11 tuổi, cháu bé mới chính thức được đến trường.

Một trường hợp khác, bé được nhà trường cho vào học nhưng vẫn phải học riêng dù bà và các cán bộ Trung tâm đã hết lòng hỗ trợ.

Bà tâm sự, người có H, con em họ thường gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý. Mặc dù đã có pháp lệnh về HIV/AIDS nhưng để biến từ luật ra thực tế thì còn rất nhiều khó khăn. Rồi bà kể trường hợp ở Hà Nam mới đây, người chồng chết vì bệnh cơ hội sau khi có H, xã nhất quyết không cho chôn chung trong nghĩa trang của làng. Khi Trung tâm đến can thiệp giúp mộ người chết phải hàn xi măng quanh. Buồn nhất là lúc khâm liệm, không một ai đến giúp, tự người vợ phải làm hết các thủ tục cho chồng. Một đám tang lặng ngắt như tờ khiến bà cứ ám ảnh mãi.

Trường hợp khác cũng ở Hà Nam xảy ra từ năm 2005. Thời điểm đó, hiểu biết xã hội về người có H vẫn còn mơ hồ, sự kỳ thị còn rất trầm trọng. Khi người này bước vào giai đoạn cuối, người nhà không dám cho ở chung mà cho ra ở một cái chòi ngoài vườn, hàng ngày đem thức ăn đến để ở ngoài rồi về. Khi Trung tâm nhận được tin báo, chưa kịp xuống thì người này đã mất. Sự chậm trễ khiến bà luôn canh cánh trong lòng. Về sau, mỗi lần nhận được tin báo người có H cần phải hỗ trợ về pháp lý, có thể đi trực tiếp được là bà lên đường ngay, sợ qua ngày hôm sau đã muộn.

“Mình chỉ mong giúp cho họ, dù chỉ là trong những ngày cuối được hưởng hơi ấm từ người thân cho đỡ cô quạnh chứ bàn tay thì bé, một lúc, một thời thì không thể làm thay đổi tất cả được”, bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm chia sẻ.

Bước đi khó khăn ban đầu

Các cộng sự của bà không thể quên những khó khăn ngày đầu mới thành lập. Tuy nhiên, các cán bộ Trung tâm đã nỗ lực, làm việc vì cái tâm, là chỗ dựa cho người có H. Ngày ấy, bà đang là Phó vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế, từng tham gia xây dựng Pháp lệnh phòng chống HIV/AIDS 1995, là Trưởng tiểu ban Pháp luật chính sách HIV/AIDS của ban Phòng chống HIV/AIDS của Bộ. Công việc khiến bà có nhiều cơ hội tiếp xúc với người có H, vì vậy, trước khi có quyết định về hưu, bà đã ấp ủ có một địa chỉ để trợ giúp những vấn đề pháp lý cho họ. Lúc ấy, là thành viên trong Ban chấp hành chi hội Luật gia của Bộ, bà liền đề xuất với Hội Luật gia Việt Nam và được lãnh đạo Hội đồng ý, trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS được thành lập ngay sau đó.

Thông qua những nhóm, hội người có H trên địa bàn, nhiều người đã tìm đến với Trung tâm. Bà chia sẻ, hoàn cảnh của người có H thì vô cùng nhưng có một điểm chung là sự đối xử kỳ thị trong xã hội. Người ta cứ nhìn vào người có H là nghĩ đến cái chết, ma tuý, mại dâm, sợ đến mức không dám ăn chung, ở chung, làm việc chung, thậm chí bị đối xử kỳ thị ngay trong cả gia đình mình. Có những người, có nhà mà không dám về ở, con cái đến tuổi không được đi học, đang làm việc yên ổn khi bị lộ ra là có H cũng bị đuổi.

Ngay đến cả việc tiếp cận các dịch vụ y tế đối với người có H cũng không ngoại lệ. Nhiều người tâm sự với bà về sự bế tắc, cùng quẫn, vướng mắc về pháp luật nhưng không biết phải giải quyết ra sao. Trung tâm ra đời như một nơi giúp họ có thể gỡ rối, tìm cho mình những sự lựa chọn tốt hơn.

Đến nay, mười mấy năm qua đi, hơn 17.000 trường hợp người có H được trợ giúp pháp lý, trong đó, tỉ lệ vụ việc giải quyết thành công rất cao cũng khiến bà có thêm động lực trên con đường mà mình đã chọn.

Gia đình là điểm tựa lớn

Dù đã tuổi hưu nhưng hiếm khi thấy luật gia, bác sĩ Trịnh Thị Lê Trâm được rảnh rang. Tiểu đường, cao huyết áp, ăn uống kiêng khem, có ai đó hỏi lấy đâu ra sức lực để cống hiến nhiều như vậy, bà chỉ cười: “Ông ấy (chồng) bảo với tôi, đó cũng là một cách để làm từ thiện trong khả năng của mình”. Chồng, các con, các cháu ủng hộ trên mỗi quyết định, mỗi cuộc hành trình đến với người có H, là điều không phải ai cũng có được khi mà quan niệm tuổi già là phải được nghỉ ngơi, được con cháu phụng dưỡng chứ không phải đi “làm việc thiên hạ”.

Đỗ Huệ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý