Bài dự thi: Điệp khúc của yêu thương

daikieu daikieu @daikieu

Bài dự thi: Điệp khúc của yêu thương

Chuông đồng hồ báo thức nhưng Vy không dậy nổi. Đầu cô nặng như chì, cổ họng khô rát. Mắt vẫn nhắm nghiền, cô cựa mình, khẽ rên một tiếng.

16/08/2016 04:19 PM
438

- Mẹ bảo chủ nhật tụi mình về ăn bún bò, mẹ nấu.
- Bún bò? Sao không phải bún mắm hả anh?
- Anh nói với mẹ, anh ngán bún mắm rồi.
- Đó là món khoái khẩu của anh mà, lâu rồi anh chưa ăn, sao lại thế?
- À, vì... anh thương em!
- Lại nữa rồi!

Vy lườm anh một cái thật dài. Anh cười, tỉnh bơ. Mỗi lần ở anh có sự thay đổi nào đó khác với bình thường, Vy hay thắc mắc: “Vì sao...”. Còn anh, nói gì thì nói, rồi bao giờ cũng kết thúc bằng một câu trả lời nghe... chẳng ăn nhập: “Vì anh thương em!”. Mỗi khi nghe câu ấy, Vy hay bảo anh “ca cải lương” nhưng thật ra cô cảm động lắm! Bởi những sự thay đổi này chẳng phải là vì cô đó sao!

  Bài dự thi: Điệp khúc của yêu thương - Ảnh 1

Biết sở thích của con trai, thi thoảng mẹ anh hay nấu bún mắm Nam bộ, gọi vợ chồng cô về ăn. Dù không hợp khẩu vị, Vy vẫn ăn tự nhiên nên không ai biết rằng cô chẳng cảm nhận được vị ngon của mắm cá linh, cá sặc gì đó mà quê cô không có. Anh đã biết điều này. Và anh cũng biết, trong các món bún, Vy ưa nhất bún bò Huế nên đã bảo mẹ rằng mình thấy ngán bún mắm?

Phải, trước đây, anh với cô khác biệt nhau nhiều thứ lắm! Cô nói trước đây, bởi, bây giờ, ngày mỗi ngày cô cảm nhận được cái vạch phân rõ sự khác biệt ấy như một gạch phấn mờ dần, mờ dần... Chính anh đã cố gắng xoá mờ nó. Anh, người miền Nam, sinh ra và lớn lên ở thành phố này. Còn Vy, ở một vùng quê miền Trung xa xôi, nơi có dòng sông Thu êm đềm, mát rượi, uốn mình giữa đôi bờ tre xanh. Khác với Vy, tuổi thơ anh không có những buổi chiều thả diều trên bờ đê lộng gió, thơm lừng hương đồng nội; không có cảm giác vừa thích thú vừa lo sợ khi nước lũ tràn về. Anh chưa từng đến trường trong cái lạnh buốt của mùa đông; chưa từng được sống cuộc sống quê mùa, chất phác mà ấm áp tình làng, nghĩa xóm... Vy không chịu được mùi “kì kì” của trái sầu riêng mà anh nói “thơm nồng nàn”… Dạo trước, anh mua tặng vợ cái áo đầm màu thiên thanh rất ngọt. Anh bảo để Vy mặc ở nhà vừa nhẹ nhàng, thoải mái, vừa dễ thương. Cái đầm ấy cô chưa hề đụng đến. Với “bản chất nhà quê” cố hữu trong Vy thì đồ bộ vẫn là... “thời trang” trong nhà muôn thuở của cô...

Anh với Vy có nhiều điều trái ngược như thế, sao lại thành một đôi? Chuyện này, chính Vy cũng đã từng ngạc nhiên. Một thời gian dài quen biết, Vy vẫn coi anh là bạn, trò chuyện, tán gẫu với anh như với người sinh ra trước mình, biết chuyện hơn mình và… khác lạ với mình. Cô mến bản tính trung trực, nhiệt tình và nhân hậu nơi anh. Nhưng rồi, anh cứ hay làm Vy xúc động. Xúc động bởi những niềm vui, niềm hạnh phúc nho nhỏ anh mang lại cho cô, đôi khi rất bất ngờ, làm cô xao xuyến. Vy cảm nhận được tình yêu chân thành của anh đối với cô không phải từ những lời ngọt ngào mà từ sâu thẳm trái tim anh. Vy đã từng hỏi anh:

- Anh với em có nhiều điểm chẳng giống nhau, như mặt trời với mặt trăng ấy. Anh không sợ sau này có chuyện sao? Em nhà quê như thế, anh cũng chịu được à?

- Mặt trời và mặt trăng đâu khác nhau mấy, vì chúng đều... tròn, cùng ở chung bầu trời, cùng làm sáng bầu trời, mặt đất - Anh cười - Không giống rồi sẽ giống, vì... anh thương em. Tử vi nói anh có duyên nợ với con gái nhà quê như em mà!

o0o

Chuông đồng hồ báo thức nhưng Vy không dậy nổi. Đầu cô nặng như chì, cổ họng khô rát. Mắt vẫn nhắm nghiền, cô cựa mình, khẽ rên một tiếng. Anh giật mình choàng dậy, đặt bàn tay thô, ấm lên trán cô, rồi lẩm bẩm một mình: “Bị cảm rồi!”. Anh sửa lại đầu cô ngay ngắn trên gối, đắp mền lại cẩn thận rồi ra khỏi giường.

Gần một năm nay, kể từ ngày sống chung với anh - “người dưng” khác xứ, đây là lần đầu tiên cô bị cảm.

Vy lơ mơ nghe tiếng anh mở cửa đi ra ngoài. Hãy còn sớm lắm, chưa đến giờ anh đi làm. Anh đi đâu nhỉ? Chắc anh đi mua thuốc cho cô? Anh lúc nào cũng quan tâm, lo lắng cho Vy nhưng cô ngán ngẩm những viên thuốc Tây ấy lắm! Dù người ta có quảng cáo hay ho đến cỡ nào, trước khi hết bệnh, nó cũng làm cô gật gừ khó chịu không ít. Người cứ lơ lửng trong trạng thái không ngủ mà cũng chẳng thức… Ngày xưa ở với mẹ, mỗi lần bị cảm, thường được mẹ nấu cho nồi nước lá. Xông rồi, thấy dễ chịu ngay. Rồi cô dụi đầu vào lòng mẹ: “Nước xông của mẹ hay quá, là thần dược!”. Bây giờ nồi nước ấy chỉ còn trong tiềm thức. Từ khi vào thành phố này học, xa quê, xa mẹ, ở kí túc xá, cô tự chăm sóc cho mình. Bị cảm, ngại uống thuốc nhưng cô không nằm lì trên giường. Cô cố dậy đi lại, cố ăn như bình thường, uống nước chanh nóng, rồi dần dần bệnh cũng tự khỏi. Ừ, bây giờ cô cũng sẽ không uống thuốc đâu! Vy sực nhớ ra, từ khi quen anh cho tới giờ, cô đã kể với anh biết bao nhiêu chuyện trên trời dưới biển nhưng chưa nói cho anh biết điều này.

Vy gượng ngồi dậy, nhưng lại nằm xuống. Đầu cô nặng trĩu, tay chân ê ẩm, mỏi nhừ. Tự dưng lúc này, cô ước ao có mẹ bên cạnh quá. Mẹ quanh quẩn bên cô cả ngày. Mẹ nấu nước xông, nấu cháo có lòng đỏ trứng gà, thơm mùi hành, mùi tiêu... Chao ôi! Sao Vy thấy nhớ mẹ, nhớ cả mùi nước xông, nhớ đến cồn cào... Hồi còn bé, bị cảm, lần đầu tiên mẹ bảo xông, Vy đã giãy nãy không chịu. Rồi thương mẹ lo lắng, Vy cũng chịu xông. Mới được vài giây, Vy đã tung mền thoát ra. Mùi lá bạc hà, khuynh diệp cay cay, xen lẫn mùi lá thuốc cứu, lá sả... nồng nồng làm cô khó chịu. Đã thế hơi nóng bốc lên, muốn ngộp thở. Mẹ dỗ dành, bảo Vy cố gắng chịu khó xông mới khỏi bệnh. Mẹ động viên bằng cách... cùng Vy ngồi xông. Mẹ mở nắp nồi từ từ, hé dần từng chút một, Vy quen dần và thấy dễ chịu hơn. Cứ thế mỗi lần bị cảm, lại được mẹ nấu cho nồi nước lá. Riết rồi nghiện lúc nào không hay. Hơi một chút, Vy lại đòi mẹ cho xông…

Vy thiếp đi, mơ màng thấy mẹ ra vườn hái lá. Mẹ cho tất cả những lá thuốc ấy vào cái nồi lớn. Lửa rơm rực hồng, ấm áp bao quanh nồi như tình thương của mẹ dành cho Vy. Cô nhìn mẹ mỉm cười sung sướng với ý nghĩ lát nữa mình sẽ được hít căng đầy lồng ngực, sẽ được tận hưởng mùi cay cay, nồng nàn làm người ta khoan khoái, dễ chịu của các thứ lá hoà quyện vào nhau.

Có tiếng anh gọi khẽ. Vy mở mắt, nuối tiếc vì ra khỏi giấc mơ. Không, hình như cô vẫn còn nằm mơ... Mùi nước xông của mẹ nấu hãy còn thoang thoảng. Vy hít thật sâu. Đúng rồi, mùi lá sả, bạc hà, thuốc cứu đây mà. Nghe gần lắm, như đang hiện hữu trong căn phòng nhỏ này. Cô lại hít, chẳng biết mình đang tỉnh hay đang mơ...

- Anh nấu nước lá rồi, em gắng dậy xông rồi ăn cháo nhé!

Vậy ra cô đang tỉnh, và mùi lá kia là thật! Bất ngờ quá! Vy nhìn anh ngạc nhiên. Làm sao anh biết cô không thích uống thuốc, chỉ nghiện nồi nước xông như của mẹ thuở nào?

Vy bỗng thấy mình khoẻ hẳn. Cô chống tay ngồi dậy, tựa lưng vào tường, mỉm cười nhìn nồi nước anh vừa mang tới. Nó không có lá chuối trên miệng nồi giữ hơi, trước khi đậy nắp vung như của mẹ. Nhưng với Vy, như vậy đã là nhất rồi!

- Anh kiếm lá ở đâu? Mua ngoài chợ? Mà sao anh biết em...

- Vì anh thương em!

Vy lại quên, đi hỏi anh điều mà cô đã biết trước câu trả lời. Nhưng lần này nghe “điệp khúc” ấy, cô không lườm anh, cũng không bảo anh “sến”. Vy muốn nói với anh một câu gì đó như lời cảm ơn, nhưng lại thôi. Một ý nghĩ vừa đến, làm cô thấy ngượng: “Sao chỉ có mình anh quan tâm, mình anh vì cô, mình anh thay đổi, mình anh cố gắng để giữa anh với cô bớt dần sự khác biệt?”.

Vy thấy lòng hân hoan khi mường tượng đến một buổi chiều, đi làm về, nhìn cô, anh tươi cười, hài lòng. Bởi vợ anh đang mặc cái đầm màu thiên thanh rất dịu mắt anh đã chọn. Nếu anh có hỏi tại sao cô thay đổi, cô sẽ có dịp “trả đũa”:

- Vì em thương anh!

Và giống như anh, cô muốn làm cho bốn chữ ấy trở thành điệp khúc. Điệp khúc của yêu thương, ngân vang mãi trong cuộc sống của anh và Vy!

Thân Thị Hoàng Oanh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý