Các hãng tivi Nhật đang lao dốc không phanh ở Việt Nam

daikieu daikieu @daikieu

Các hãng tivi Nhật đang lao dốc không phanh ở Việt Nam

Ngay tại Việt Nam đất nước vốn chuộng các thương hiệu tivi Nhật thì thị phần của họ cũng lao dốc không phanh.

31/08/2016 07:19 PM
676

Các hãng tivi Nhật Bản bị hạ “knock-out” khỏi đấu trường thế giới

Vào những năm 1970 và đầu 1980, Nhật Bản thống trị thế giới điện tử tiêu dùng với các sản phẩm chip nhớ, TV màu, máy ghi âm, các phòng thí nghiệm của công ty Nhật cũng cho ra đời những sản phẩm cách mạng như Walkman, đầu đĩa CD và DVD. Tuy nhiên, giờ đây, các công ty Nhật đang đứng sau Apple, Google và Samsung trong suy nghĩ của người tiêu dùng.

Cách đây vài năm, những thương hiệu Nhật Bản như Panasonic, Toshiba và Sony thống trị thị trường điện tử, đặc biệt là tivi. Với những model bóng bảy, các công ty này khiến các đối thủ đến từ châu Âu cũng phải ghen tị. Thế nhưng, khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, khách mua đã quay lưng lại với các sản phẩm đến từ Nhật Bản và hướng sự quan tâm của mình tới những thiết bị giá rẻ hơn, thông số hấp dẫn hơn từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các thương hiệu TV lớn của Nhật như Sony bắt đầu đi xuống trên thị trường thế giới.

Do áp lực của cuộc chiến giá cả, tháng 2/2015, Panasonic tuyên bố rút khỏi thị trường tivi quốc tế. Những sản phẩm giá rẻ hơn của hãng này với thương hiệu Sanyo, vốn được bán tràn lan ở các siêu thị từ Việt Nam đến Walmart của Mỹ chỉ còn là thứ mà người Nhật “tự sản tự tiêu”. Toshiba cũng ngừng sản xuất và bán tivi tại Bắc Mỹ từ tháng 3/2015 vì một lý do tương tự: không thể cạnh tranh về giá cả cũng như thông số với các đối thủ khác. Ngược lại, tập đoàn Sony lại lựa chọn tách mảng sản xuất tivi ra thành một công ty con hoạt động độc lập.

Theo ông Peter Richardson, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint: “Lý do các công ty Nhật Bản có kết quả như ngày nay chính là chiến lược. Các thương hiệu Nhật như Sony và Panasonic luôn chú trọng vào chất lượng, nhưng thực sự họ lại không có năng lực trong việc sản xuất các tấm màn hình LED và LCD. Họ không có khả năng đem lại sự khác biệt đến thị trường. Ngoài ra, cơ cấu kinh doanh tốn kém và phức tạp khiến các hãng điện tử Nhật Bản khó thu về lợi nhuận đáng kể”.

Trước sự yếu thế từ Nhật, các hãng sản xuất Hàn Quốc và Trung Quốc vươn mình trỗi dậy, giành được thị phần lớn hơn nhờ tập trung vào các sản phẩm giá rẻ và chấp nhận mức lợi nhuận thấp.

Khoảng trống về thiết kế của Nhật Bản trong thời gian này đã được các công ty Hàn Quốc như Samsung và LG lấp đầy. Với mức giá cạnh tranh hơn cũng như các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, doanh số của LG trên toàn cầu trong năm 2014 đã tăng từ 800 triệu won lên 174 tỷ won. Ông Richardson cho biết thêm: “Các thương hiệu Hàn Quốc, Samsung và LG đi tiên phong trong chất lượng cũng như công nghệ tân tiến nhờ năng lực tự phát triển sản phẩm của mình. Điều này có nghĩa là họ có khả năng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với mức giá bán hợp lý so với các khoản đầu tư của mình”.

Rất nhiều thương hiệu Trung Quốc cũng giành thêm được thị phần nhờ giá rẻ và chấp nhận lợi nhuận thấp.

Trong cuộc chiến xuất khẩu tivi, Hàn Quốc đã đánh bại Nhật Bản một cách ngoạn mục. Giờ đây Nhật Bản chỉ biết rút về thị trường trong nước và có lẽ các thế hệ “sinh sau đẻ muộn” sẽ không tưởng tượng ra được Nhật đã từng có thời huy hoàng như thế. Sau cuộc rút lui này, có lẽ Nhật Bản chẳng bao giờ trở lại được như trước. Song có vẻ chính phủ Nhật không chấp nhận quan điểm này mà vẫn tiếp tục vung tiền nuôi những công ty đang “hấp hối”. Chính điều này tạo nên các “zombie” cho nền kinh tế, kìm hãm sự phát triển của các công ty mới.

Sự ra đi của Nhật mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất khác như Samsung và LG. Bài học rút ra từ cuộc “chuyển giao” tàn khốc này đó là: với một chiến lược dựa trên công nghệ tiên tiến nhất, giá cả cạnh tranh và chiến dịch quảng cáo hiệu quả, các công ty có thể chiếm được bất cứ thị trường nào mình muốn.

Theo chủ cửa hàng điện tử ở Machida (Tokyo), một người đã bán hàng điện tử của các hãng như Toshiba, Hitachi, Sharp, National, Panasonic và Sony trong hơn 40 năm, chất lượng sản phẩm Sony đã giảm sút trong nhiều năm qua. “Samsung đã vượt mặt Sony, đặc biệt ở mảng tivi”. Tivi Sony luôn được định hình trong suy nghĩ của người tiêu dùng là một sản phẩm chất lượng cao. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người Việt Nam luôn ví von “nét như Sony”. Tuy nhiên, đó là cách đây 20 năm. “Tivi Sony có chất lượng rất tốt, hình ảnh rất đẹp. Nhưng ngày nay, chất lượng đã đi xuống” , người bán hàng điện tử ở Tokyo nói.

Một vấn đề nữa là trước đây giá tivi Sony rất đắt. Bây giờ, không ai trả mức giá cao như thế để mua tivi mới. Sự thật là giá tivi đã giảm nhiều do sự cạnh tranh của các sản phẩm Hàn Quốc rẻ hơn.

Các hãng tivi Nhật đang lao đốc tại Việt Nam

Cũng như xu hướng chung trên toàn cầu, các hãng tivi của Nhật gặp đầy khó khăn tại Việt Nam - một thị trường mà người dùng đã từng ưa chuộng tivi của Nhật. Các siêu thị điện máy cho hay, những thương hiệu tivi của Nhật vốn ngày xưa bán rất chạy thì giờ đây câu chuyện đã khác. Thậm chí, một vài thương hiệu tivi của Nhật có số lượng bán tại siêu thị điện máy trong năm chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Một vài thương hiệu tivi của Nhật không còn xuất hiện tại các chuỗi điện máy lớn tại thị trường Việt Nam.

Trong nội dung gửi cho ICTnews, hãng nghiên cứu thị trường GFK đưa ra con số cho thấy sự lao dốc của các hãng tivi Nhật tại thị trường Việt Nam và sự lên ngôi của các thương hiệu tivi đến từ Hàn Quốc. Thống kê của GFK chỉ ra rằng tỷ lệ số lượng bán tivi từ năm 2014 đến nay của các hãng tivi Nhật sụt giảm liên tục theo số liệu ghi nhận từ các kênh bán lẻ. Cụ thể, năm 2014 các hãng tivi Nhật chiếm khoảng 49% thị phần thì đến năm 2015 tụt xuống 40% thị phần và con số này của năm 2016 là 37%. Như vậy, bình quân mỗi năm các hãng tivi Nhật mất khoảng 7,5% thị phần. Trong khi đó, các thương hiệu tivi Hàn Quốc đang lên khá mạnh. Nếu như năm 2014 các thương hiệu tivi Hàn Quốc chỉ chiếm 45% thị phần (thấp hơn các thương hiệu tivi của Nhật) thì chỉ sau 1 năm đến năm 2015 các thương hiệu tivi Hàn Quốc đã chiếm 52% và vượt qua thị phần của Nhật. Năm 2016 các thương hiệu tivi Hàn Quốc đã chiếm 53% thị phần tại Việt Nam và vượt hơn thương hiệu tivi Nhật là 16%.

Các con số nghiên cứu của GFK chỉ ra rằng, trong 3 năm qua, thị trường tivi Việt Nam chủ yếu biến động do sự sụt giảm của tivi Nhật và sự thăng hoa của các thương hiệu tivi của Hàn Quốc. Còn thương hiệu tivi của Trung Quốc và Việt Nam thì không có biến động nhiều.

Một nhà bán lẻ điện máy của Việt Nam cho ICTnews hay nếu các hãng tivi Nhật kể cả Sony – vốn được xem là niềm tự hào của Nhật mà không thay đổi thì họ sẽ bị “knock-out” tại chính thị trường mà người dùng đã từng yêu quý thương hiệu Nhật.

Theo ICTnews
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý