Câu chuyện cổ tích “dì ghẻ, con chồng” đậm tính nhân văn giữa đời thường

remember1 remember1 @remember1

Câu chuyện cổ tích “dì ghẻ, con chồng” đậm tính nhân văn giữa đời thường

Mặc dù chưa một lần mang nặng, đẻ đau nhưng hơn 20 năm qua, bà Phương luôn tần tảo sớm hôm chăm chồng thương binh bị liệt và nuôi dạy 2 con của chồng khôn lớn.

19/02/2017 04:17 PM
1,088

Mặc dù chưa một lần mang nặng, đẻ đau nhưng hơn 20 năm qua, bà Phương luôn tần tảo sớm hôm chăm chồng thương binh bị liệt và nuôi dạy 2 con của chồng khôn lớn. Từ trong sâu thẳm cõi lòng, bà luôn ẩn chứa bao nỗi niềm trắc ẩn của kiếp “dì ghẻ, con chồng”. Vượt qua tất cả, bằng tình yêu thương chân thành bà đã viết lên câu chuyện cổ tích đẹp, mang đậm tính nhân văn giữa đời thường.

Tình người trong cơn bĩ cực

Chiều muộn, dưới ánh nắng yếu ớt trong tiết trời se lạnh, bóng dáng bé nhỏ, liêu xiêu của bà Lê Thị Phương (SN 1955) đang hối hả hoàn tất những công việc cuối cùng nơi cánh đồng rau để kịp về nấu bữa cơm chiều cho chồng. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà đã dành tất cả khó khăn, vất vả thậm chí những cay đắng, tủi hổ về mình để lo cho chồng, cho con. Căn nhà giờ đây đã khang trang, tươm tất hơn nhiều so với ngày bà mới về làm vợ, làm mẹ và luôn ấm áp tình người.

Bà đã vượt qua ranh giới hằn sâu bởi định kiến xã hội về mối quan hệ “dì ghẻ con chồng”. Những đứa trẻ thiếu thốn đủ thứ, nhất là tình mẫu tử đã được một tay bà chăm bẵm, lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ giờ đây đã trưởng thành. Nhiều đêm trong không gian yên ắng, lặng nhất của cõi lòng bà đã khóc, bà khóc không phải bởi những bất hạnh giữa cuộc đời chông đá, bà khóc bởi hạnh phúc cuối cùng sau bao giông bão đã mỉm cười với bà.

Nhớ lại bước ngoặt cuộc đời, ông Lê Hồng Cư (SN 1960, ở thôn Giải Uấn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) trầm ngâm hồi lâu, giọng run run hồi tưởng lại quá khứ khi người vợ trẻ đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh, bỏ lại ông cùng 2 đứa con, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé mới 1 tuổi đang khóc lả trên tay vì khát sữa mẹ. Bản thân ông lại bị liệt phải ngồi xe lăn, nhìn những đứa con nheo nhóc, vẫn chưa cảm nhận hết chặng đường đầy khúc khuỷu phía trước khi mất mẹ mà lòng ông Cư quặn thắt.

Giữa lúc cuộc sống dường như bế tắc, hạnh phúc đã bất ngờ đến với ông Cư khi bà Lê Thị Phương cảm thông hoàn cảnh bất hạnh của bố con ông, bỏ qua những thị phi chấp nhận về làm vợ, làm mẹ. Ông Cư kể: “Năm 18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Campuchia từ 1978 - 1982. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt tôi bị sốt rét ác tính dẫn đến biến chứng bị liệt, điều trị được hai năm tôi bắt đầu tập đi lại. Năm 1986, xuất ngũ về địa phương với thương tật 81%, lúc đó mẹ già ở quê mai mối cho người vợ cả ở xã bên. Cưới nhau được 6 năm, cô ấy sinh cho tôi 3 đứa con, rồi không may qua đời. Cuộc sống lúc bấy giờ khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, phải chạy ăn từng bữa. Con còn quá nhỏ, nhìn chúng ngơ ngác tìm mẹ khiến tôi không thể gục ngã”.

Câu chuyện cổ tích “dì ghẻ, con chồng” đậm tính nhân văn giữa đời thường - Ảnh 1

Vợ chồng ông Cự, bà Phương.

“Đứa con út suốt ngày quấy khóc phải bế khắp làng xin bú nhờ, thấy vậy gia đình bên ngoại xin thằng út về nuôi. Thương con đứt ruột nhưng cũng đành chấp nhận. Còn lại 3 bố con bữa cơm, bữa cháo trong sự đùm bọc của người thân, xóm làng. Sau khi hết tang vợ, được mọi người mai mối, bà Phương đồng ý về làm vợ tôi”, ông Cư bùi ngùi nhớ lại.

Cảnh “gà trống nuôi con” đối với một người bình thường vốn đã khó khăn, với ông Cư bị liệt ngồi một chỗ lại càng khó khăn hơn. Bà Phương đã giúp bố con ông Cư vượt qua những ranh giới của tột cùng khổ đau, bất hạnh, để giờ đây khi các con mỗi đứa một phương đã trưởng thành, bà vẫn ngày đêm làm trọn thiên chức của người vợ bên cạnh người bạn đời mà bà hết mực thương yêu.

Ngồi bên cạnh bà Phương, ông Cư xúc động: “Nếu không có bà ấy không biết cuộc sống của bố con tôi giờ ra sao. Lúc bà ấy quyết định lấy tôi, bản thân tôi cũng có chút băn khoăn. Thời gian trôi qua, các con tôi lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của người mẹ thứ hai, xem hai đứa như con ruột, không hề có sự phân biệt đối xử. Thằng cả học khoa Tin học của ĐH Hồng Đức, đứa con gái thứ hai học CĐ Du lịch giờ đều đã có công ăn việc làm ổn định. Thằng út giờ đã có gia đình, hiện đang làm công nhân. Bà ấy đã hy sinh gần hết cuộc đời lo cho chồng, cho con”.

Bỏ việc xã hội lo cho chồng, con

Thời gian cứ đằng đẵng trôi qua, mái tóc bà Lê Thị Phương giờ đây đã điểm bạc. Hơn 20 năm qua, không lúc nào bà được thảnh thơi. Lúc con còn nhỏ thì lo cái ăn, cái mặc, giờ chúng đã khôn lớn nhưng bà lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm làm sao lo cho các con yên bề gia thất, để mai kia xuống suối vàng gặp mẹ đẻ của chúng bà không phải hổ thẹn. Nhìn các con thơ dại, điều kiện lại vô cùng khó khăn, sau nhiều đêm thức trắng, trăn trở, bà quyết định hy sinh một phần thiên chức “mang nặng đẻ đau” để toàn tâm, toàn trí lo cho chồng con. Để có quyết định đó bà đã phải gắng gượng rất nhiều, tự động viên mình, xem con của chồng như con đẻ.

Nhớ lại những tháng ngày khốn khó đã qua, bà Phương tâm sự: “Cùng là người lính với nhau nên giữa tôi và ông ấy có rất nhiều điểm tương đồng trong suy nghĩ. Năm 1973, tôi phục vụ tại Trung đoàn an dưỡng 580 Quân khu Hữu Ngạn. Cuối năm 1976, tôi xuất ngũ về công tác tại địa phương. Thời con gái cũng rất nhiều người theo đuổi, lúc tôi đang làm cán bộ trực văn phòng xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc có người mai mối tôi với ông Cư. Nhìn thấy cảnh ông ấy chống nạng lết từng bước, 2 đứa con lấm lem, còi cọc, tôi không thể cầm lòng. Chính trong cái buổi chiều gặp gỡ định mệnh ấy, duyên số đã gắn kết chúng tôi đến tận bây giờ. Do đường sá xa xôi, lúc lấy ông ấy tôi chấp nhận bỏ công việc đang làm ở xã”.

Từ ngày bà Phương về làm vợ, làm mẹ, căn nhà cấp bốn tuềnh toàng luôn vang tiếng cười đùa của con trẻ, bát cơm của các con đã bớt độn khoai, độn sắn. Ngoài 3 sào ruộng, đồng lương thương binh của ông Cư ít ỏi không đủ trang trải, ban ngày bà Phương ra đồng mót từng hạt thóc, chăm từng ngọn mồng tơi. Đêm đêm, bà lọ mọ nấu rượu đến 2-3h sáng. Khổ nhất là những ngày trời đông giá rét, 4h sáng khi trời còn tối đen, bà đã phải đạp xe khoảng 15km để nhập rượu, xong lại vội vã về lo cơm nước cho các con kịp đến trường. Lo cho chồng, con xong, bà lại tất tưởi gánh rau ra chợ đầu làng bán.

Chồng thì liệt, hai con quá nhỏ, phải chạy ăn từng bữa, bà còn phục vụ mẹ chồng bị tai biến mạch máu não nằm bất động gần hai năm. Chưa kể những lúc trái gió trở trời người ông Cư đau nhức, bà thức thâu đêm xoa bóp. Những sinh hoạt hàng ngày của chồng đều phải nhờ bà phụ giúp. Dù vất vả, khổ cực nhưng bà luôn lo chu toàn mọi việc.

“Niềm vui, hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là các con xem tôi như mẹ đẻ. Chúng giờ đã lớn nhưng thường xuyên tâm sự, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Mỗi dịp chúng được nghỉ về quê thăm bố mẹ lại sà vào lòng tôi nũng nịu như những ngày còn nhỏ. Tôi luôn quan niệm, con nào cũng là con miễn sao mình nuôi dạy, yêu thương chúng hết lòng. Tôi không ân hận về quyết định không sinh con ngày trước, ông trời đã cho tôi cả một gia đình mà nhiều người mơ ước”, bà Phương hạnh phúc tâm sự.

*Bài viết đã được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

NGỌC HƯNG

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý