Chuyện hai cô gái đăng quang cùng một ngày

mesuhao mesuhao @mesuhao

Chuyện hai cô gái đăng quang cùng một ngày

Khi giá trị của từ Hoa hậu trong mắt công chúng, dư luận đang dần thay đổi ....

18/08/2011 09:33 AM
7,566

Ngày 14/08/2010, từ Tuần Châu, Quảng Ninh, một cô gái đã đăng quang ngôi vị mới của Hoa hậu Việt Nam, tiếp nối những đàn chị đi trước nắm giữ chiếc vương miện danh giá nhất Việt Nam và cả những trọng trách, ý thức xã hội, cộng đồng mà cô gái ấy sẽ phải theo suốt 2 năm đương nhiệm.

Một năm sau, cũng là ngày 14/08, nhưng không phải là từ Việt Nam, một cô gái khác giành được ngôi vị cao nhất trong một cuộc thi Hoa hậu mới lần đầu tổ chức. Người ta chưa rõ giá trị và ảnh hưởng của ngôi vị này ra sao, nhưng người ta thấy hàng danh sách dài những bình luận về người chiến thắng, trước, trong và sẽ còn dài trong những câu chuyện bất tận của làng giải trí.

Họ, ngôi vị cao và cùng ... bị phản đối

Trong khoảnh khắc đăng quang ngôi vị mới của mình, cô gái thứ nhất không khóc, cũng giống như nhiều đàn chị khác trước mình từng đăng quang cuộc thi này. Bản lĩnh của một người mẫu đã quen với sàn catwalk giúp cho cô sự tự tin khi đứng trên sân khấu và biết xử lí những tình huống về tâm lý, không chỉ là giây phút đăng quang, mà trước đó, sự "vừa đủ" trong câu ứng xử đã là yếu tố để người ta đánh giá cô cao bởi sự tiết chế đúng lúc và vừa phải, thứ mà một hoa hậu cần phải có.

Trong giờ phút đăng quang của cô thứ hai đăng quang, người ta thấy cô khóc và thể hiện sự chân thành của mình với những sự ủng hộ mình nhận được. Trong phần thi ứng xử, cô cũng xúc động về kể người cha mình và công dưỡng dục mà cô có được ngày hôm nay. Sau cuộc thi, người ta đánh giá cô hài hòa đồng, ẩn chứa nét đẹp Việt bên trong con người, có thể điều ấy đúng, nhưng nhẽ ra nên từ miệng của trưởng BGK, hơn là trưởng BTC, người bỏ tiền tổ chức và mời các cô từ "khắp năm châu" để thu hình chương trình tạp kĩ của ông. BGK là ai, không ai rõ!

  
Top 5 Hoa hậu Việt Nam (Ảnh: Zing)

Sau đăng quang, cô thứ nhất thì liên tiếp bị những lời dè bỉu về nhan sắc, thậm chí người ta còn liệt kê những gì không đẹp trên hình thể của cô rồi vin vào đó cho rằng cô không xứng đáng với ngôi vị cao nhất. Hoa hậu là phải đẹp, và vì thế, cô bị hắt hủi. Cô tự cho mình đăng quang?

Với cô thứ 2, trên một tờ báo điện tử lớn nhất nhì Việt Nam cập nhật tin chiến thắng, 11 bình luận được đưa lên thì 100% đều là phản đối và người biên tập không duyệt đăng tiếp. Tờ thứ 2, 4 trang bình luận được đưa lên thì cũng là cả 4 trang tràn ngập sự phản đối. Tờ thứ 3 dù chỉ đưa tin lại nhưng lượng người phản đối không ...thấp hơn là bao. Ít người chê cô này không xinh, tức là hơi ngược với cô thứ nhất, nhưng cô bị phản đối dồn tập, dữ dội hơn ...

Họ đã làm gì?

Ngôi vị cao nhất, cô thứ nhất chỉ xem đó là một cuộc chơi. Suốt cuộc thi, không bao giờ thấy cô che chắn bản thân, phải khép nép, e lệ như một cô gái thuần Việt như các ông bầu chỉ dẫn. Cô vô tư cười nói, nhận định, đánh giá người khác bằng chính nhãn quan của mình, không đề phòng bất cứ ai, thậm chí ngay cả khi phóng viên ghi âm. Cô biết những ai được o bế, những ai chuẩn bị kĩ càng nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Bởi lẽ, cô không ngờ rằng mình lại chính là người cuối cùng được xướng tên trong đêm chung kết.

Từ một người mẫu tuổi teen được chú ý, rồi cộng tác với những tờ báo dành cho học trò, rồi dần bước chân vào lĩnh vực người mẫu chuyên nghiệp, tưởng chừng như cô cũng giống như nhiều hotboy, hotgirl vẫn đang tung tẩy khoe dáng khắp nơi trên Facebook, cô không màng nổi tiếng, cũng không ồn ào lên mặt báo để xem mình là hiện tượng, làm ngòi cho sự nổi tiếng phập phù nhan nhản. Sự phấn đấu của cô là cánh cổng trường Đại học và kết quả cho các năm học là vị trí thứ 3 toàn Khoa mà báo chí đưa tin, thứ mà ít người đẹp dám khoe trên mặt báo.

  
Các cuộc thi sắc đẹp đang nhuốm màu kinh tế? (Ảnh chỉ mang tính minh họa - VNE)

Cánh cửa của cô gái thứ 2 xem chừng thênh thang hơn, vì hoàn cảnh, cô tự mình bươn chải tại Thành phố lớn bằng với sự đỡ đầu của những người tốt. Và họ cũng mang đến cho cô nhiều cơ hội để tỏa sáng, tìm đến sự nổi tiếng để thoát nghèo. Tuổi 16,17 cô đã được người ta o bế để đi thi nhan sắc, nhưng ở tuổi đó, thì chẳng có ai có nổi bằng PTTH để đủ điều kiện mà dự thi, cô bị phát giác nhưng dường như giải thưởng thì vẫn được giữ, chưa bị tước, dù không phải giải cao nhất. Cũng chẳng phải riêng cô, mà cả cuộc thi này cũng trở thành vết nhơ của các cuộc thi sắc đẹp khi tư cách của BTC còn bị nhập nhèm thì đánh giá làm sao nổi đạo đức của thí sinh.

Vài tháng vừa qua, cô cũng là "đối tượng" của nhiều bài báo với những tiêu đề hết sức "mĩ miều" nhằm tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của một người mẫu tiềm năng, có tham vọng trở thành hoa hậu. Nhưng hỏi từ đâu ra cái danh hiệu tự phong, giá trị nào để đưa cô lên những tiêu đề của các tờ báo lớn thì thật khó cho người viết (?). Bài báo cô nói về bản thân, về hàng hiệu, về gia đình gây ra hiệu ứng, người thích thì cho đó là trung thực, thực tế, mà người không thích thì xem đó là những phát biểu nông cạn. Mấy chuyện tầm phào như thế, nghệ sĩ lớn chia sẻ thì hiểu là một nhẽ, nhưng một người vô danh được mời phỏng vấn những chuyện như vậy, cho ai nghe (?).

Họ đang làm gì?

Chiến thắng của cô gái đầu tiên nằm ngoài khả năng tưởng tượng, và đứng phía sau cô không có quá nhiều người để vạch ra cho cô những gì cô sẽ phải làm, hướng đi tương lai cô ra sao. Và cô gái ấy chỉ biết cắm đầu vào học và đặt 2 chữ từ thiện, nhân đạo để thực hiện đúng với nghĩa vụ và trách nhiệm của một ngôi vị hoa hậu mới. Người ta không thấy cô dồn dập lên mặt báo bằng những bộ hình sáng loáng, cũng không có những bài phỏng vấn tạp chí lòe loẹt mà văn được diễn lại bởi nhà báo, nhằm làm tôn lên hình ảnh của cô và giá trị của chiếc vương miện.

Hình ảnh của cô nằm nhòe trong những bức hình khuân vác những bịch quần áo, mì tôm trên những con đường lầy lội mà màu ảnh chỉ từ những chiếc máy ảnh bình thường nhất ở những nơi cần đến sự tương thân tương ái từ cộng đồng. Hình ảnh của cô cũng chẳng cần cầu kì với các trang phục sang đến lộng lẫy để báo chí lấy làm tâm điểm khen ngợi, mà chỉ đơn giản trong bộ đồ cô tự thiết kế rồi mang tất cả trái tim của mình để hướng đến những nạn nhân ở quốc gia nào đó vừa trải qua thảm họa sóng thần, và vỡ òa nước mắt khi run rẩy đón nhận những tình cảm từ khán giả khi đấu giá trang phục đó. Giữa sân khấu cô được gọi là hoa hậu, trong cánh gà, cô lại trở về là một cô gái 21 tuổi, ngồi bệt xuống chiếu nói chuyện với những người mẫu khác, thân thiện và không "hoa hậu".

Còn cô thứ 2, chiến thắng ấy có nằm trong dự định hay không, cô là thí sinh, chắc không biết nhưng khán giả thì chắc có người cũng đoán được khi nhìn mặt bằng số lượng thí sinh trong đoạn video clip quay tổng duyệt. Cái gọi là thí sinh khắp năm châu, theo nghĩa của từ "International" hay "Continents" mà tới gần chung kết người ta phải đổi đi đổi lại cũng gắp ra được một cơ số thí sinh trên tấm bìa poster, và với sự chuyên nghiệp ấy, thì cũng có thí sinh Việt Nam chưa kịp để BGK chấm thi 3 vòng, thì đã trượt ngay "vòng" kiểm duyệt ở Việt Nam đến nỗi người ta thắc mắc, cô này, cô kia thấy tên, sao không thấy thi (!).

Ngôi vị hoa hậu của cô đến thật nhanh, nhanh như khi báo chí đưa tin cô được cấp phép dự thi và nghoảnh mặt lại thì đã thấy đưa tin cô đạt ngôi vị cao nhất, dư luận ... ngã ngửa. Sao vừa thấy đi cùng 2-3 cô gì đó lên máy bay sang Mỹ mà đã thấy tin đăng quang rồi, có những phần thi nào, thí sinh tham dự những sự kiện gì, kịch bản thi hoa hậu chiếm bao nhiêu thời gian so với ... hài kịch, ca nhạc (?). Cô lên báo mới vài tháng mà đã đi sự kiện với giá nghìn đô, báo chí lăng xê, được thi quốc tế,...rồi giật luôn giải hoa hậu. Mỹ nhân này thật phi thường (!).

Kết.

Hoa hậu đăng quang cùng một ngày, cùng tuổi khi đoạt ngôi vị có những điểm chung nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau. Một giá trị được khắt khe chọn lựa, dư luận có thể phản đối, nhiều dư âm nhưng nó phản ánh đúng bằng thực tế bằng quan sát, bằng hành động và tự bản thân. Còn một giá trị mà ngay từ đầu dư luận đã phản đối trên nhiều phương diện, thì sẽ thật khó để có thể tìm thấy sự dung hòa khi giá trị ấy không đạt được cái mặt bằng chung của xã hội mong muốn.

Hai cô gái này chẳng có lỗi gì khi họ đi thi, vì ở tuổi của họ, chỉ đơn giản hiểu một cuộc thi sắc đẹp là một sân chơi vui vẻ và hồn nhiên thể hiện. Chỉ có những người đứng sau họ mới hiểu vấn đề vì sao cần phải đi thi, thi để làm gì, thì với ai và thi cho ai, vì chắc gì họ đã là người khao khát chiếc vương miện nhất.

Chỉ tiếc một điều, người ta đã dường như quên đi mất một cô gái vẫn đang âm thầm, khó khăn xây dựng những viên gạch cho sự nghiệp mà dồn mọi sự chú ý vào một chiếc vương miện khác trong một cuộc thi ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất mà người ta đã biết lắm ì xèo từ ngay khi nó bắt đầu.
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý