Cuộc đời người mẹ từng lấy chồng Pháp nay gần 100 tuổi, nuôi con tâm thần

sakura1 sakura1 @sakura1

Cuộc đời người mẹ từng lấy chồng Pháp nay gần 100 tuổi, nuôi con tâm thần

Ở tuổi gần đất xa trời, cụ H’Blă Niê vẫn cố gắng đưa đôi bàn tay khẳng khiu, run rẩy bón từng muỗng cơm trắng cho con trai đã ngoài thất thập đang bị bệnh thần kinh.

14/05/2017 03:06 PM
159

Ở tuổi gần đất xa trời, cụ H’Blă Niê vẫn cố gắng đưa đôi bàn tay khẳng khiu, run rẩy bón từng muỗng cơm trắng cho con trai đã ngoài thất thập đang bị bệnh thần kinh. Mấy chục năm trôi qua, giữa trung tâm phố thị xô bồ, hai con người đói khổ, nghèo nàn cứ bám víu vào nhau sống lay lắt như ngọn đèn trước gió…

Bi kịch số phận

Tới thăm nhà cụ H’Blă Niê (SN 1920, ngụ buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào một chiều trung tuần tháng Tư, chúng tôi không khỏi xót xa. Ngôi nhà tồi tàn đến nỗi mấy nan gỗ mục rỗng tưởng có thể bị gió cuốn bay bất cứ lúc nào. Cụ H’Blă năm nay đã 97 tuổi, khuôn mặt hóp lại, hai mắt sâu hoắm, hàm răng chỉ còn vài chiếc, tấm lưng đã còng khiến khuôn mặt cụ lúc nào cũng cúi sát xuống đất. Thật thương cảm khi biết rằng, ở tuổi đó cụ vẫn phải làm tất cả các công việc nặng nhọc thường ngày như nấu nướng, giặt giũ, kiếm củi, đi chợ và chăm một người con ở tuổi 70 bệnh tật.

Cuộc đời người mẹ từng lấy chồng Pháp nay gần 100 tuổi, nuôi con tâm thần - Ảnh 1

Cụ H’Blă Niê tâm sự với PV về cuộc đời mình.

Cụ có tất cả 3 người con, một trai, hai gái. Hai cô con gái theo chồng ở xa, còn người con trai ở cùng cụ tên là Y’klam Niê, năm nay 77 tuổi. Cụ H’Blă Niê cho hay, ông Y’klam sinh ra khỏe mạnh, tinh nghịch, nhưng rồi chẳng may 2 lần bị trúng bom đạn. Vết thương quái ác khiến hệ thần kinh ông gần như hoàn toàn tê liệt. Lúc còn trẻ, ông Y’klam dù ngờ nghệch còn có thể đi lại, nói cười làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Bây giờ, tuổi tác đã cao, với đôi mắt đờ đẫn lúc nào ông cũng chỉ ngồi một góc nhà hướng mắt ra ngoài qua các khe hở.

Cuộc đời cụ H’Blă Niê như cuốn tiểu thuyết. Khi còn trẻ, cụ xinh đẹp như một đóa hoa pơ lang nổi tiếng khắp vùng. Đến tuổi cập kê, cụ theo một chàng trai người Ê Đê về làm vợ. Sau khi sinh ông Y’klam được vài năm, chồng cụ bị bắt vì tội giết người và cũng chết trong tù. Một mình cụ H’Blă tần tảo nuôi con. Thân góa phụ, chịu tiếng sỉ vả có chồng là kẻ sát nhân, cụ H’Blă buồn chán ôm Y’klam lưu lạc khắp nơi.

Sau khi lưu lạc đến đất Buôn Hồ (nay là thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cụ may mắn được nhận vào đồn điền cà phê làm việc. Đồng cảm với số phận của cô gái bản địa đã từng lỡ một bến nước, người đàn ông Pháp quản lý đồn điền đem lòng yêu thương. Cụ quyết định đi thêm bước nữa với người chồng Tây.

Với cụ H’Blă đây là khoảng thời gian yên bình nhất. Cụ sinh cho ông chồng người Pháp 2 cô con gái bụ bẫm, gia đình 5 thành viên sống đầy đủ, ấm no. Thế rồi, sau đó người chồng ngoại quốc yêu cầu vợ con hồi hương cùng. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đại ngàn, quen cuộc sống với thiên nhiên, cụ H’Blă không muốn về nơi xứ lạ nên xin ông cho ở lại Việt Nam.

Người chồng chấp nhận mang hai cô con gái về Pháp, bỏ vợ ở lại với người con trai tật nguyền. Thời gian đầu, cụ và người chồng Pháp vẫn giữ liên lạc thường xuyên, cụ được hỏi thăm tin tức của con gái. Nhưng rồi, vài năm sau, ông đi lấy vợ khác. Tình cảm dành cho người phụ nữ xứ Đông Dương cũng mờ nhạt dần đi.

“Khi hồi hương, ông ấy (người chồng Pháp - PV) thi thoảng vẫn gửi tiền cho tôi nuôi con, bên cạnh đó, ông cũng gửi cả thư và vài tấm ảnh chụp chung cùng con gái cho tôi xem để đỡ nhớ nhưng dần dà việc đó cũng thưa dần rồi bặt hẳn. Ông ấy đã mất được hơn 2 năm nay, không biết các con tôi giờ sống như thế nào nữa, quá lâu rồi tôi chẳng nhận được thông tin gì”, cụ H’Blă buồn bã chia sẻ.

Hoàn cảnh khốn cùng

Nhắc về hai cô con gái lưu lạc, cụ H’Blă ngậm ngùi: “Tôi không biết khi còn sống ông ấy có nói cho 2 người con gái nghe về người mẹ Việt Nam của chúng? Không biết giờ chúng còn sống hay không, vì cả hai tuổi đã ngoài 70. Tôi rất mong muốn được một lần gặp các con của mình trước khi nhắm mắt lìa trần”.

Ngày qua ngày, cụ lầm lũi sống trong ngôi nhà sàn nhỏ, tần tảo làm lụng nuôi người con bất hạnh Y’klam. Gần 100 tuổi, những cùng thời với cụ đều đã về thế giới bên kia, nhưng cụ H’Blă vẫn mong muốn được sống thêm vài chục năm nữa.

Cụ tâm sự: “Đối với tôi sống chết tựa như lông hồng. Tuy nhiên, tôi chỉ lo sợ khi nằm xuống chẳng còn ai chăm sóc con trai. Nó sẽ như thế nào nếu thiếu đi bàn tay của già này?”.

Mặc dù cuộc sống khốn khó, nhưng cụ H’Blă luôn cảm thấy mãn nguyện khi được tận tay chăm sóc đứa con tật nguyền đến những giây phút cuối cuộc đời. Với tình yêu thương vô bờ bến mà người mẹ già dành cho con trai, cụ H’Blă chưa bao giờ chùn bước trước giông tố của cuộc đời, vì cụ luôn lấy con trai là động lực tinh thần để bước tiếp.

Vài năm gần đây cụ H’Blă sức khỏe đã yếu dần, làm việc rất khó nhọc, chính vì thế, hai mẹ con cụ phải sống bằng số tiền được Nhà nước hỗ trợ cho người cao tuổi, tiền hỗ trợ bệnh tâm thần của ông Y’klam, ngoài ra họ không thể làm gì thêm. Cụ kể, ông Y’klam cũng có thuốc uống của Nhà nước cấp và nhà hảo tâm mua cho.

Điều đáng mừng, dù mắc bệnh tâm thần, nhưng từ nhỏ tới giờ ông Y’klam luôn tỏ ra hiền lành. Ông không quậy phá, gây rối như các bệnh nhân tâm thần khác. Bên cạnh đó, được hàng xóm quan tâm, những buổi đi chợ, người cho bó rau, con cá cũng làm cụ cảm động rơi nước mắt.

Là người hiểu rõ nhất về cảnh sống của mẹ con cụ H’Blă, già làng Y’Blô Ayun của buôn Kô Siêr chia sẻ: “Cụ H’Blă vốn là một người hiền lành, chân chất. Từ ngày “khai thiên lập địa” ở mảnh đất này, cụ H’Blă đã một mình gồng gánh chăm sóc người con trai bệnh tật trong căn nhà sàn cũ kỹ. Hàng xóm đều thương cảm cho cuộc đời của cụ nhưng ai cũng có gia đình và cũng khó khăn, nên chỉ giúp đỡ một phần hạn hẹp. Tôi mong những nhà hảo tâm có lòng tốt giúp đỡ để những ngày tháng cuối đời của hai mẹ con cụ được no đủ”.

"Trao đổi với PV về hoàn cảnh của mẹ con cụ H’Blă, ông Y’Bức Knul – Trưởng buôn Kô Siêr cho biết: “Gia đình cụ H’Blă Niê nằm trong diện đặc biệt khó khăn của buôn. Mặc dù cụ H’Blă đã gần 100 tuổi nhưng vẫn phải còng lưng chăm sóc cho người con trai bị bệnh tâm thần. Vào mỗi dịp lễ, Tết, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhằm động viên tinh thần của cụ”.

Mai Cường

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý