Đau mắt đỏ bùng phát sớm tại Hà Nội

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Đau mắt đỏ bùng phát sớm tại Hà Nội

Hai tuần gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 6080 bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Theo các chuyên gia, dịch năm nay xuất hiện sớm hơn thường lệ.

11/03/2011 11:54 AM
2,792

Mới đầu tuần anh Hưng, 30 tuổi, Nguyễn Du, Hà Nội thấy mắt trái rất ngứa, cảm giác có gì đó cộm trong mắt, sau đó sưng, đỏ và nhức. Ba ngày sau thì cả mắt bên phải cũng bắt đầu có biểu hiện viêm. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm kết mạc dịch. Nhà anh có 4 người thì đều bị lây, cứ người này khỏi thì đến lượt người kia mắc.

“Thậm chí cả cậu con trai vừa mới 7 tháng tuổi cũng bị đau mắt dù tôi đã chú ý giữ gìn và vệ sinh cho con kỹ càng. Mắt lúc nào kèm nhèm, sưng húp, đau nhức khó chịu, đi làm là tôi phải đeo kính râm vì sợ lây cho đồng nghiệp”, anh Hưng nói.

Bác sĩ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc dịch là bệnh của hai mắt. Mắt thứ hai sẽ đau sau mắt thứ nhất khoảng 3-5 ngày. Bệnh rất dễ lây vì lan truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc.

Dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội năm nay bắt đầu sớm hơn so với thường lệ. Ảnh: Nam Phương.

“Nếu như năm ngoái, dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội xuất hiện muộn vào tháng 7 thì năm nay bệnh lại vào mùa sớm hơn và tốc độ lây lan cũng nhanh. Hiện số bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm gần 10% tổng số các bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về mắt”, bác sĩ Cương nói.

Theo bác sĩ, bệnh bùng phát sớm hơn có thể là do thời tiết mùa xuân có độ ẩm rất cao (thường trên 90%) khiến không khí ngột ngạt, virus, nấm mốc gây bệnh sinh sôi nhanh. Bên cạnh đó, nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm lớn khiến cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút nên dễ mắc bệnh hơn.

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh, có các viêm nhiễm phối hợp hay không...

Theo bác sĩ, đây là bệnh lành tính, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ biến chứng là 20%. Nếu sau 7-10 ngày mà bệnh vẫn không khỏi thì dễ dẫn đến biến chứng, chủ yếu là viêm giác mạc. Nếu không chữa kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực.

Đau mắt đỏ do virus thuộc nhóm adeno gây ra. Lây nhiễm có thể trực tiếp từ người bệnh sang người lành, cũng có thể từ người mang virus nhưng chưa biểu hiện bệnh sang người lành, qua trò chuyện hoặc cầm nắm vào các đồ vật trung gian. Ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần.

Bác sĩ Hoàng Cương cũng khuyến cáo, khi thấy có biểu hiện của bệnh như ho, sốt, nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ..., người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách.

Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý tra thuốc bừa bãi, đặc biệt là những loại thuốc có chứa Corticoid như Clorocid H1%, Dexaclor... nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không xông thuốc, xông lá bừa bãi đặc biệt là lá trầu không vì có thể gây bỏng giác mạc, khiến bệnh lâu khỏi.

Để phòng bệnh, theo các bác sĩ, nguời dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý (không dùng chung nhau để tránh lây bệnh qua đầu nhỏ thuốc). Khi bị bệnh thì cần nghỉ ngơi, tránh lây cho người khác.

Những người đã khỏi bệnh cũng không nên chủ quan vì tuýp virus gây bệnh này có thời gian miễn dịch rất ngắn, trong vòng hai tháng. Vì thế, có những người mắc bệnh đến 2 lần trong một đợt dịch.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý