Giai thoại “mắc kẹt khi yêu” và nguy cơ thật về những tai nạn phòng the hi hữu

biettuot biettuot @biettuot

Giai thoại “mắc kẹt khi yêu” và nguy cơ thật về những tai nạn phòng the hi hữu

Trên thế giới có rất nhiều những tin đồn nửa thực nửa hư về những giai thoại liên quan đến câu chuyện phòng the. Thậm chí, có những câu chuyện tưởng chừng không bao giờ có thể xảy ra.

24/09/2017 04:31 PM
1,279

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới có rất nhiều những tin đồn nửa thực nửa hư về những giai thoại liên quan đến câu chuyện phòng the. Sở dĩ những tin đồn nửa thực nửa hư ấy vẫn còn đất sống là bởi về mặt khoa học, nó hoàn toàn có thể xảy ra.

Tràn lan tin đồn 

Những đồn thổi về “mắc kẹt khi yêu” rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại châu Âu. Đầu thế kỷ 19, các nhà sử học đã tìm thấy một văn tự cổ từ thời kỳ đế chế La Mã về việc này. Nó nói rằng: Tà dâm là trái với lời dạy của Chúa và những kẻ phạm tội sẽ gặp phải tai nạn “dính chặt” này. Muốn được giải thoát, họ phải nhờ người khác dội nước lạnh lên người và cầu nguyện Chúa tha thứ.

Giai thoại “mắc kẹt khi yêu” và nguy cơ thật về những tai nạn phòng the hi hữu - Ảnh 1Phóng to

Trên tờ tạp chí Piltz (Đức) số 3 xuất bản năm 1929, nhà nghiên cứu Rolesston đã kể về một trường hợp “mắc kẹt” mà ông thu thập được trong quá trình tìm bằng chứng cho hiện tượng “mắc kẹt” này. Đó là một đôi vợ chồng ở Warsaw (Ba Lan). Họ thường xuyên bị “dính chặt” mỗi khi “yêu” khiến cả hai lâm vào trạng thái tâm lý nặng nề. Cuối cùng, hai người này đã chọn cái chết để giải thoát khỏi tình trạng éo le ấy. Tuy nhiên, Rolesston cũng nhấn mạnh rằng, thông tin này của ông chưa được kiểm chứng. Nhà nghiên cứu này đã cẩn thận hỏi thăm rất nhiều chuyên gia về tiết niệu, sản phụ khoa, tính dục học… nhưng không ai xác nhận đã từng trực tiếp chứng kiến những trường hợp như vậy. Cuối bài báo, ông kết luận rằng, có lẽ đây chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Trước tình trạng thi thoảng lại xuất hiện một tin đồn kiểu này mà không có ai đứng ra làm rõ thực hư, năm 1979, tiến sĩ Frank Taylor đã quyết định đi tìm sự thật. Kết quả nghiên cứu của ông đăng trên tờ British Medical Journal đã khẳng định: Hầu hết các trường hợp “mắc kẹt” được đề cập đến trong các tài liệu y văn từ trước tới giờ đều chỉ dựa trên những lời đồn đại và phỏng đoán. Do đó, kết luận của ông cũng giống như của nhà nghiên cứu Rolesston 50 năm trước: Đây chỉ là những chuyện tào lao! Nếu chuyện này đã từng xảy ra thực sự và cần tới sự can thiệp của y khoa, chắc chắn nó phải được ghi nhận cụ thể trong các tài liệu y văn hoặc hồ sơ bệnh án. Có thể ai đó đã tung ra tin này để nhằm răn đe những kẻ hay lang chạ mà thôi.

Những tưởng “nghi án” này đến đây đã được làm sáng tỏ thì ngay sau số báo đăng bài viết của tiến sĩ Taylor, một bác sĩ tên là Brendan Musgrave đã viết thư phản hồi lại. Ông khẳng định vào năm 1947, khi còn là bác sĩ thực tập tại bệnh viện Royal Isle of Wight County (Anh), ông đã trực tiếp cấp cứu một ca “dính chặt” như vậy. Một cặp vợ chồng trẻ đang hưởng tuần trăng mật được đưa đến trên chiếc cáng. Phải mất gần một giờ đồng hồ, các bác sĩ mới tách được họ ra khỏi nhau. Do các quy định thời đó chưa được chặt chẽ lắm nên bệnh viện đã không ghi chép gì về tình huống hiếm hoi này.

Giai thoại “mắc kẹt khi yêu” và nguy cơ thật về những tai nạn phòng the hi hữu - Ảnh 2Phóng to

Phụ họa với ông, nữ bác sĩ Dottoressa Moor cũng khẳng định, “mắc kẹt khi yêu” là chuyện có thật. Trong cuốn hồi ký “An Impossible Woman”, nữ bác sĩ này nhắc đến ca cấp cứu của bà trong năm 1975 khi đang làm việc tại Italia: “Một cuộc gọi khẩn cấp từ khách sạn Eden-Paradiso (vùng Anacapri, Italy) lúc nửa đêm. Khi chúng tôi đến nơi, một cô gái trẻ đang nằm trong bồn tắm, máu chảy loang lổ từ âm đạo. Nạn nhân cho biết, khi đang quan hệ tình dục với một người đàn ông thì cả hai lâm vào tình trạng “mắc kẹt”.

Quá hoảng sợ, quý ông kia đã dùng hết sức lực để “rút vũ khí” ra rồi bỏ chạy. Hành động bạo lực ấy đã khiến vùng kín của cô gái bị tổn thương, chảy máu. Sau khi được cầm máu và nghỉ ngơi, đến sáng, cô ta đã có thể rời đi”. Cũng trong cuốn hồi ký “An Impossible Woman”, bác sĩ Dottoressa Moor còn dẫn chứng thêm một trường hợp tương tự nữa mà bà chỉ được “nghe kể lại” xảy ra giữa một cô gái Thụy Sĩ và một chàng trai da đen. Phải 3 bác sĩ mới có thể tách được hai người này ra, và họ đều phải chịu những tổn thương khá nghiêm trọng tại “vùng kín” do hậu quả của vụ việc.

Nguy cơ có thật

Nếu không kể đến bê bối của tờ Philadelphia Medical News nói trên thì những chứng cứ về việc tồn tại thực sự của tai nạn oái oăm này không hẳn là không đáng tin cậy. Nhất là khi có rất nhiều người thuộc giới y khoa lên tiếng xác nhận chuyện này. Sự thực đang dần được hé mở theo hướng “có thật” khi trong những năm trở lại đây, các nhà khoa học đã bắt đầu có bằng chứng về mặt lý thuyết. Đó chính là hiện tượng co thắt âm đạo mất kiểm soát khi quan hệ tình dục của phụ nữ. Tiến sĩ Laura Berma, một chuyên gia về tình dục học của Hiệp hội nghiên cứu tình dục Hoa Kỳ cho biết, hiện tượng này cực kỳ hiếm gặp, nó khiến nạn nhân không thể kiểm soát được các cơn co thắt nơi vùng kín.

Có những người bị co thắt mãn tính khiến âm đạo của họ bị thu hẹp lại rất nhiều, không gì có thể đưa lọt vào bên trong, kể cả dương vật của nam giới (khi muốn quan hệ tình dục) lẫn các đầu dò siêu âm, dụng cụ thăm khám của bác sĩ. Một số người thậm chí bị các cơn co thắt “bịt” hẳn cửa mình khiến họ còn không thể đi tiểu được. Những trường hợp này sẽ phải can thiệp bằng phẫu thuật nếu các biện pháp kích thích cho âm đạo giãn nở trở lại gặp thất bại. Còn nếu cơn co thắt này xảy ra đúng lúc đang quan hệ tình dục, nó sẽ ôm chặt lấy dương vật của nam giới, gây lên hiện tượng “mắc kẹt” mà y khoa gọi là Penis Captivus (theo tiếng La Mã có nghĩa là “giam giữ dương vật”), hoặc Vaginismus (co thắt âm đạo khi giao hợp).

Giai thoại “mắc kẹt khi yêu” và nguy cơ thật về những tai nạn phòng the hi hữu - Ảnh 3Phóng to

Bà Laura Berma lấy dẫn chứng, ở các loài động vật khác, điều này thường xuyên xảy ra và con người có thể quan sát chúng, hay gặp nhất là ở chó và ngựa. Lý giải cho việc chưa có ca nào ở người “hai năm rõ mười” khiến dư luận còn bán tín bán nghi, tiến sĩ Laura Berma cho biết, do đây là tai nạn hiếm gặp và quá nhạy cảm nên không phải ai cũng dũng cảm gọi cấp cứu. Họ thường tự giải thoát, hoặc cùng lắm là cầu viện đến bạn thân, người nhà… - những người sẵn sàng giúp “khổ chủ” che giấu “tai nạn” oái oăm này. Vì vậy rất khó để ghi nhận lại bằng những bằng chứng trực quan sinh động. Một nguyên nhân nữa là Penis Captivus rất dễ xảy ra với những cặp đôi “ăn vụng”, bởi tâm lý khi quan hệ bất chính bao giờ cũng kèm theo lo lắng, hồi hộp, nóng vội… dù nhiều hay ít. Chính trạng thái này sẽ khiến các cơn co thắt bất chợt dễ xảy đến và vì vụng trộm nên nó lại càng bị che giấu.

Hiện đang có hẳn một trang web với địa chỉ vaginismus-center.com do Trung tâm sức khỏe tình dục phụ nữ Hera (HWHC – Thổ Nhĩ kỳ) bảo trợ để trao đổi, tư vấn về chủ đề tế nhị này. Tập trung nhiều về nguyên nhân gây lên Vaginismus là sự bó cứng của các cơ xương chậu nên HWHC thiên về các bài tập Kegel để làm mềm hóa nhóm cơ này, kết hợp với thôi miên, xoa bóp và một số loại thuốc hỗ trợ khác. Đây cũng là tổ chức có nhiều hoạt động chuyên sâu nhất về Vaginismus hiện nay, bất chấp việc nội dung thuật ngữ này hiện vẫn còn khá nhiều tranh cãi. Tiến sĩ Suleyman Eserdag – người đứng đầu HWHC cho biết, bà hy vọng với sự vào cuộc của khoa học hiện đại, sự tồn tại của hiện tượng Vaginismus, nguyên nhân, biện pháp chữa trị nó sẽ sớm được làm sáng tỏ để chấm dứt một trong những nghi hoặc lớn nhất trong y khoa của nhân loại bấy lâu nay.

Đã từng có báo bịa tin chuyện “mắc kẹt”

Đứng trước những thông tin trái chiều từ ngay giới chuyên môn này, “yêu không rời” đã trở thành một nghi án không có lời giải đáp. Một vài tờ báo thi thoảng lại lợi dụng chủ đề oái oăm này làm trò câu khách rẻ tiền, bởi họ biết, cả các nhà khoa học và những độc giả bình thường đều quan tâm đến hiện tượng “khó đỡ” ấy.

Năm 1884, phóng viên Egerton Yorrick Davis đã bịa ra một câu chuyện “như thật” về “mắc kẹt khi yêu” và đăng nó trên tờ Philadelphia Medical News. Do thông tin này quá “hot”, nội dung bài báo đã được dư luận “soi” rất kỹ và thật bất ngờ, chỉ 1 tuần sau, nhà báo tự do William Osler đã lật tẩy rằng đây chỉ là trò “bán báo” mà thôi. Tất cả nhân chứng, địa danh trong bài viết ấy đều không có thật. Còn vị tiến sĩ mà phóng viên Egerton dẫn lời hóa ra lại là một … biên tập viên của chính tờ Philadelphia Medical News.

Thanh Tùng (Theo abs-cbnnews.com và vaginismus-center.com)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý