Khoảnh khắc phim ấn tượng nhất (P3)

mesuhao mesuhao @mesuhao

Khoảnh khắc phim ấn tượng nhất (P3)

(2sao) ở các phần trước là các phim đến từ các nước âu – mỹ, lần này 2!sao sẽ đem bạn đến với những khoảnh khắc ấn tượng ...

30/01/2011 01:00 AM
5,002
Mùa hè chiều thẳng đứng - Đạo diễn Trần Anh Hùng

“Mùa hè chiều thẳng đứng” là một trong bộ ba phim nổi tiếng nhất của Trần Anh Hùng (bao gồm Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng Xich lo). Đặc điểm nổi bật nhất của phim Trần Anh Hùng chính là một dư vị ngọt ngào, nhẹ nhàng xen lẫn với những nỗi buồn mà đôi khi con người không thể gọi tên. Điều đó lắng đọng trong từng khoảnh khắc, từng “nhịp đập” của bộ phim.



“Mùa hè chiều thẳng đứng” kể về cuộc sống của một đại gia đình có 3 chị em gái và một cậu em trai. Mỗi một thành viên, một nhân vật trong gia đình ấy có một câu chuyện, một bí mật của riêng mình. Cô chị cả và cuộc hôn nhân đang đứng trên bờ vực, cô chị thứ hai chưa kịp vui với niềm hạnh phúc có đứa con đầu lòng hiếm muộn lại dấy lên nỗi nghi ngờ vì người chồng “hình như xảy ra chuyện gì đó” trong chuyến công tác xa nhà. Cô em gái út và người anh kế lại quẩn quanh trong tình yêu của riêng mình, giữa hai người lại tồn tại một điều gì đó thân thiết hơn cả tình anh em…tất cả làm nên một “mùa hè” vừa dịu dàng, lại vừa nóng bỏng nhưng vẫn in đậm một dư vị lạ lùng trong lòng người xem.



Khoảnh khắc phim mà người viết muốn đề cập đến ở đây chỉ là một cảnh quay bình thường, rất đỗi bình thường. Đó là cảnh mà ba chị em quây quần làm cỗ giỗ. Phái nam lên nhà ngồi nói chuyện, chỉ có ba chị em ngồi làm gà với nhau, cười với nhau và … nói bậy với nhau. Nhưng cái nền xanh thẫm của lá, cái ánh sáng nhẹ nhàng làm sáng bừng cả ba khuôn mặt còn son trẻ của Liên (Trần Nữ Yên Khê), Sương (Như Quỳnh) và Khanh (Lê Khanh) gợi nên trong lòng người xem một nỗi bình yên đến lạ, hay khác chăng là một niềm hạnh phúc rất nhỏ bé, rất đời thường nhưng không thể hòa lẫn với bất cứ bộ phim nào khác.


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.



Khoảnh khắc đó làm người xem ngẩn ngơ, làm trái tim như lắng xuống, giống như một nốt trầm trong một bản ballad dịu dàng của cuộc sống. Cho dù trong cuộc sống đó cũng tồn tại những đợt sóng ngầm có thể xô ngã con người bất cứ lúc nào. Đó cũng là khoảnh khắc đậm đặc chất Trần Anh Hùng khi mà cách lấy ánh sáng như thế, cách dẫn dắt câu chuyện một cách chậm rãi, cách làm cho cả không gian sáng bừng lên như vậy, chỉ có thể là ông mà thôi.

Sống trong sợ hãi - Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên





Khác với cái dịu nhẹ trong một mùa hè đầy ánh sáng của Trần Anh Hùng, “Sống trong sợ hãi” thực sự đem đến cho người xem những cung bậc mạnh nhất của cảm xúc. Anh lính ngụy Tải khi đất nước giải phóng, sau một thời gian đi cải tạo, anh mang vợ con về quê cũ, nơi anh đã có một người vợ và hai đứa con. Mảnh đất cũ từng là nơi xanh tươi trù phú, thế nhưng bao năm chiến tranh, nó đã trở thành một mảnh đất chết, mỗi tấc đất đều chứa một quả bom, chỉ cần đi sai một bước là mất mạng. Để có tiền nuôi vợ con, Tải theo Năm Đực vốn là lính giải phóng đi cưa bom, bán sắt vụn lấy tiền. Tháo bom tới đâu, anh trồng rau tới đó. Trong một lần chính quyền tổ chức kích nổ để cải tạo vùng bom mìn, Năm Đực chết vì một quả bom nổ sót. Tải bị bắt vì tháo bom trái phép nhưng sau đó anh được thả về vì đã gỡ được một lượng bom mìn đáng kinh ngạc.



Đúng với tên gọi bộ phim, mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống, trong cuộc chiến đấu trong thời bình của Mạnh thực sự là một nỗi sợ hãi. Và khoảnh khắc ấn tượng nhất, kéo dài xuyên suốt như một nỗi ám ảnh của bộ phim, đó chính là ánh mắt căng cứng, mở to và trừng trừng đầy sợ hãi của Mạnh khi tháo kíp nổ gỡ mìn. Chỉ một sơ sẩy, chỉ một sai sót hay một bất trắc nhỏ thì ai cũng biết điều gì sẽ xảy đến. Trong khoảnh khắc đó, một giây kéo dài như một giờ, như cả đời người. Giây phút đó ngắn ngủi nhưng nó như một sự tra tấn tâm lý đối với Mạnh. Nó kéo căng đầu óc anh, làm anh lúc nào cũng trở thành người đi trên dây: chông chênh và tràn đầy sợ hãi. Những ức chế tâm lý ấy anh lại không thể từ bỏ, không thể san sẻ cùng ai. Rồi anh trút vào những cuộc làm tình với người vợ nhỏ. Dữ dội, khốc liệt ẩn trong một lớp vỏ bình bình của cuộc sống đã làm nên “Sống trong sợ hãi” ám ảnh người xem đến tận cùng.

Chơi vơi - Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên


Khi rạp chiếu phim Chơi vơi, một điều lạ kỳ là nó mang đến những cảm xúc trái chiều đối với khán giả trong cùng một phòng chiếu. Có người ngồi lặng đi theo dõi bộ phim, nhưng có những người không đủ kiên nhẫn xem hết, đứng lên ra về. Có người xem đi xem lại 3 lần, có người không theo dõi hết phân nửa bộ phim. Thế nhưng gây được những cảm xúc ấy cũng đã là một thành công lớn.



Chơi vơi chỉ đơn giản là một lát cắt của cuộc sống hiện đại. Với tiết tấu rất chậm, với một dòng thời gian như được làm chậm lại hết mức có thể. Chơi vơi đưa người xem đến những miên man, những cảm xúc không tên, những tình cảm không thể định hình và không bao giờ được thốt lên lời của những tâm hồn phức tạp và đa chiều.

Phim mở đầu bằng đám cưới của Duyên và Hải, rồi mở dần ra những mối quan hệ khác. Đó là mối tình thầm lặng của cô nhà văn Cầm dành cho Duyên. Là cuộc tình đầy dục vọng mà chính tay Cầm đẩy Duyên vào với Thổ khi biết chắc rằng Hải không bao giờ có thể cho Duyên cái hạnh phúc của một người đàn bà. Cứ thể cái mối quan hệ đan chéo với nhau, kéo các nhân vật vào những hố sâu của cảm xúc nhưng cũng chơi vơi, không định hình như chính những mối quan hệ không thể đến một bến bờ nào của họ.



Linh Đan – nữ diễn viên nổi tiếng với phim Đông Dương đóng vai Cầm – cô gái mà ngay cả những cảm xúc của cô, người xem cũng không thể hiểu rõ. Xuyên suốt bộ phim, điều gây ấn tượng nhất cho người xem chính là những khoảnh khắc dằn xé nội tâm của Cầm. Vai Cầm tròn trịa cho Linh Đan, phù hợp cho Linh Đan và có lẽ khó có ai khác ngoài cô có thể diễn một Cầm đa diện, sâu sắc đến vậy. Khoảnh khắc mà Cầm và Duyên cùng xông lá thuốc. Hai người phụ nữ khỏa thân ngồi đấu lưng với nhau, chỉ có một lớp vải mỏng che cả hai.


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.



Khoảnh khắc đó, cái thổn thức như sắp khóc của Cầm, cái quay đầu chầm chậm của cô hướng về phía Duyên, đưa về Duyên một ánh nhìn vừa lạnh lẽo, vừa cô độc lại có chút bi thương. Còn Duyên, cô vẫn miên man theo những suy nghĩ, những nỗi niềm riêng của mình. Khoảnh khắc ấy bộc lộ tất cả những tính cách và suy nghĩ của nhân vật. Một Cầm sầu nặng tâm tư, ngay cả lúc cô gần gũi người cô yêu thương nhất, ngay cả lúc cả hai trần trụi, không có gì để che giấu cô vẫn không thể nào có được người cô yêu. Còn Duyên – vô tư lự, cho dù người bạn thân thiết nhất của mình có ở cạnh bên, cô vẫn không đủ sự nhạy cảm để biết được tâm tư đích thực của cô gái ấy, không đủ sự quan tâm để hiểu được Cầm đang suy nghĩ, đang cần gì. Khoảnh khắc ấy, con người chơi vơi trong cảm xúc, cô độc trong cái bóng của chính mình.


Áo lụa Hà Đông - Đạo diễn Lưu Huỳnh

Áo lụa Hà Đông là một trong những bộ phim nghệ thuật chiếm được nhiều tình cảm nhất của người xem trong những năm gần đây. Vẫn đề tài về chiến tranh, về thân phận con người – nhất là những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nhưng Áo lụa Hà Đông vẫn mang đến cho người xem những dư vị mới mẻ.

Bộ phim kể về vợ chồng anh Gù phải bỏ xứ mà đi, tiến về phương Nam và cuối cùng định cư ở Hội An. Những tưởng cuộc sống sẽ yên bình, sẽ bình dị trôi qua trong cái cần mẫn, siêng năng của họ. Nhưng cái nghèo, nhưng chiến tranh kéo họ vào những vòng xoáy ác nghiệt. Không có tiền may áo dài cho con, Dần phải đi làm vú nuôi cho một ông già người Hoa gần đất xa trời, rồi cô lại bị bắt, bị đánh đạp vì nghi ngờ có liên quan đến cộng sản, đứa con lớn của cô bị trúng bom  chết ngay trong lớp học rồi cuối cùng chính cô cũng bỏ mạng trên biển…


Số phận của Dần  phải chăng cũng chính là số phận của mỗi con người trong thời chiến. Đó là bất trắc, là hiểm họa, là khôn lường…nhưng trên cái nền của bi thương ấy, vẫn có những khoảnh khắc của bình yên, của hạnh phúc hiếm hoi. Đó như những tia lửa soi sáng cho cái nền thấm đẫm nước mắt và đau đớn của họ. Đó là phút giây gia đình sum họp, những đứa con pha trò, đứa đóng giả vua hài Charlie bằng cách đội mũ nồi, lấy lọ nghẹ làm râu, cầm một cái gậy ba toong múa may… cái hồn nhiên, linh lợi của cô con gái lớn làm họ bật cười, làm họ vui vẻ và quan trọng là làm họ hạnh phúc.


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.


Hạnh phúc chỉ đơn giản như vậy thôi, chỉ cần cả gia đình bên nhau cùng cười, cùng vui, thế là đủ. Hay một khoảnh khắc khác, đó là lúc giữa khuya, hai vợ chồng ngồi trước sân thì thấy cô con gái thứ hai hát một đoạn cải lương. Một bông hoa giắt bên đầu, đôi tay đôi chân múa linh hoạt, khéo léo và đặc biệt là một giọng hát ngọt ngào, trong trẻo, rất mùi! Cô con gái làm họ ngạc nhiên và làm người xem ngẩn ngơ. Đó là một khoảnh khắc thực sự rất đẹp. Cách đặt máy quay từ góc dưới hướng thẳng lên, làm nổi bật cả khuôn mặt trăng tròn của cô con gái mới mười bốn, mười lăm. Ánh trăng chiếu theo từng động tác múa, từng giai điệu cô ngâm nga kết hợp với sự xuất thần của một giọng hát còn non trẻ. Tất cả làm nên một không gian vừa thơ, vừa mộng, vừa bình yên lại thần tiên đến lạ.

Cánh đồng bất tận – Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình

Một trong những bộ phim Việt gây nhiều tranh cãi nhất trong thời gian gần đây. Những ý kiến trái chiều làm bộ phim càng thêm nóng với số đông người xem. Bộ phim có thể để lại nhiều ấn tượng khác nhau, khen có, chê có nhưng chắc chắn, bộ phim vẫn có những khoảnh khắc làm người xem không thể không rơi nước mắt.



Có nhiều ý kiến ca ngợi diễn viên Lan Ngọc là diễn viên xuất sắc nhất, thế nhưng sự dằn xé trong tâm hồn, cái mâu thuẫn cao độ bên trong một tâm hồn một con người…. chỉ có thể hiện rõ nhất qua diễn xuất của Dustin Nguyễn. Khoảnh khắc ấn tượng nhất của bộ phim cũng chính là khoảnh khắc Dustin Nguyễn thể hiện vai ông Võ một cách tròn vẹn và chân thực nhất.



Đó là lúc cô gái giang hồ Sương chấp nhận vì gia đình ông Võ mà ăn nằm với một trong số những tên lưu manh. Lúc cô chuẩn bị đi, đứng từ bên kia bờ sông, ông Võ nhìn theo. Sương quay đầu nhìn ông lần cuối, tưởng chừng như chỉ cần ông cất tiếng gọi, cô sẽ chạy về bên ông ngay. Ông Võ tần ngần đứng đó, đôi môi mấp máy, tưởng chừng như muốn cất tiếng gọi cô. Tiếng “Sương” dường như cố gắng thoát ra khỏi đôi môi nhưng lại đứt quãng ở giữa chừng.



Ông không thể chiến thắng chính bản thân, chính sự thù hận vẫn còn đeo bám dai dẳng trong lòng mình. Cái tên chỉ còn biến thành những tiếng tằng hắng giữa chừng, thành cái quay đầu ngượng ngập mà ông không muốn Sương nhìn thấy. Để rồi cô đi, cô đi mãi, bước ra mãi mãi khỏi cuộc đời ông, mang theo cơ hội giúp ông trở thành người, kéo theo cả một bi kịch sắp chờ ông Võ và cô con gái phía trước.

Hương Trần

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý