Lời giải 'ôtô Việt', Bộ Công thương cũng 'bí'

mesonic mesonic @mesonic

Lời giải 'ôtô Việt', Bộ Công thương cũng 'bí'

“Dự thảo cơ chế chính sách đã được nghiên cứu bước đầu, nhưng do e ngại nên chưa ban hành”,Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói về chính sách phát triển công nghiệp ô tô.

01/05/2015 08:36 AM
834

Theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 10 nước ASEAN vào Việt Nam sẽ bị xóa bỏ. Thuế nhập khẩu được đưa về 0% đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp ô tô trong nước đứng trước rất nhiều khó khăn.

Tại buổi tọa đàm về phát triển công nghiệp ô tô do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, rất nhiều vấn đề liên quan tới chính sách phát triển cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được đặt ra. Tuy nhiên, Bộ Công thương lại chưa thể đưa ra được chính sách cụ thể nào, khiến các doanh nghiệp đang phải đứng giữa “ngã ba đường”: sản xuất hay đi buôn?

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), với lợi thế gần 100 triệu dân, Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Thời gian qua nhiều chính sách phát triển ngành được đưa ra như ưu đãi về thuế, lãi suất… song chủ yếu lại có lợi cho doanh nghiệp (DN) lắp ráp, còn với DN tự sản xuất ô tô trong nước lại không thể tiếp cận được. Nói về hành trình gian nan kể từ năm 2009 khi Vinaxuki chuyển hướng từ lắp ráp sang tự sản xuất ô tô “Made in Vietnam”, ông Huyên cho hay, DN của ông chưa hề nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào, từ việc giảm thuế, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi từ ngân hàng…

Thậm chí, để có tiền xoay xở nghiên cứu đổi mới công nghệ, nội địa hóa sản phẩm và trả lương cho người lao động, bản thân vị Chủ tịch Vinaxuki đã phải bán 5.000 m2 đất. Dù vậy, ông không cảm thấy hối tiếc khi theo đuổi con đường sản xuất ô tô “Made in Vietnam”. Điều khiến ông trăn trở, là “chính sách chỉ đưa ra trên … giấy mà không thực thi khiến DN mất lòng tin. Chính sách đưa ra cần minh bạch, thực hiện chứ không phải đưa rồi để đấy”.

   - Ảnh 1

Các doanh nghiệp ô tô Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi thuế nhập khẩu về 0%

Dù là DN sản xuất, lắp ráp ô tô chiếm trên 40% thị phần xe tải, 60% thị phần xe buýt và trên 30% thị trường xe con dưới 9 chỗ, nhưng ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) cũng tỏ ra lo lắng khi năm 2018 thuế suất thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%.
“Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 đã được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 7-2014 nhưng đến nay không có định hướng chính sách nên doanh nghiệp không thể triển khai cụ thể,” ông Dương nhấn mạnh.

Bộ Công Thương là cơ quan được Thủ tướng giao chủ trì soạn thảo dự thảo các chính sách để thực hiện chiến lược . Song điều mà những người dự hội thảo bất ngờ nhất là câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

“Không phải bộ thiếu năng động nhưng do những bài học kinh nghiệm trước với ngành ô tô đã để lại nên bộ rất thận trọng. Dự thảo cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch đã được nghiên cứu bước đầu, lấy ý kiến các bộ ngành lần thứ nhất nhưng do e ngại nên chưa ban hành,” Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, ông Hồ Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc công ty Honda Việt Nam lại phân tích rằng, một doanh nghiệp đầu tư ô tô muốn hòa vốn cần 5 năm, muốn có lợi nhuận thì phải chờ đến 10 năm. Nếu chính sách ra chậm thì doanh nghiệp đã “chết” rồi, sao chờ được 15-20 năm mà hưởng lợi từ chính sách.

Còn ông Bùi Ngọc Huyên lại dẫn ra ví dụ đầu tháng 2 vừa qua, một số cán bộ của Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cùng một số thành viên Hiệp hội cơ khí Việt Nam đến doanh nghiệp của ông để tham khảo một số chính sách thuế đối với xe tải nặng. Nhưng, ông ngạc nhiên vì chính sách thuế đối với dòng xe này đã có quyết định sửa đổi từ tháng 11-2014 và có hiệu lực từ đầu năm 2015. “Như vậy không lẽ ban hành chính sách để chơi sao?” ông Huyên hỏi.

Văn Nguyễn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý