Nỗi đau cha mẹ khi con trẻ khuyết nụ cười

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Nỗi đau cha mẹ khi con trẻ khuyết nụ cười

lần đầu nhìn thấy con sau ca sinh khó nhọc, chị đào choáng váng rồi ngất đi. cậu con trai vợ chồng chị mong đợi bấy lâu chào đời với môi trên bị sứt sâu hai khóe và không có bàn chân bên phải.

19/10/2011 07:40 AM
2,429

Nỗi đau cha mẹ khi con trẻ khuyết nụ cười

Lần đầu nhìn thấy con sau ca sinh khó nhọc, chị Đào choáng váng rồi ngất đi. Cậu con trai vợ chồng chị mong đợi bấy lâu chào đời với môi trên bị sứt sâu hai khóe và không có bàn chân bên phải.
> 'Vá' nụ cười cho những em nhỏ đáng thương

Ôm con đợi đến lượt được khám để được phẫu thuật vá sứt môi tại Bệnh viện Việt Nam - Cu ba sáng qua, chị Đào vẫn rưng rưng khi kể lại những ngày mới sinh. Suốt cả tuần sau sinh, người mẹ trẻ ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc này phải nhập viện điều trị vì suy nhược cơ thể do không ăn, không uống, lại khóc quá nhiều. Cho tới bây giờ, bế con đi đâu, chị Đào vẫn phải che chắn để tránh ánh mắt tò mò của nhiều người.

"Có người không hiểu lại cứ bảo em xấu hổ vì con. Thật ra, người mẹ nào chẳng thương con, con càng khuyết thiếu thì càng thương và cần bảo vệ nhiều hơn", chị thổ lộ.

Hiện con trai Nguyễn Việt Khoa của chị đã hơn 6 tháng tuổi và bé là một trong hơn 100 bệnh nhi nghèo đến từ các tỉnh phía Bắc được phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đợt này (18/10 đến 21/10/2011). Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Phẫu thuật nụ cười" cho các trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ.

Ảnh: Minh Thùy.

Nỗi ưu tư trên mặt một ông bố đưa con đi khám và chuẩn bị phẫu thuật vá nụ cười. Ảnh: Minh Thùy.

Đưa con đi "vá" nụ cười, gương mặt ông bố bà mẹ đượm vẻ đăm chiêu lo lắng. Họ phần lớn là những người lam lũ, lo cái ăn cái mặc đã khó, nên muốn chữa bệnh cho con lại càng chẳng dễ. Nhờ những đợt phẫu thuật miễn phí này, nhiều trẻ mới có cơ hội được sửa chữa khiếm khuyết và tự tin nở nụ cười. Nhiều người từng đưa con đi phẫu thuật nhiều lần, chỉ mong bé được sống một cuộc sống bình thường, đến trường mà không bị bạn bè chế giễu, và không phải nhìn giọt nước mắt của con mỗi lần tủi thân.

Trường hợp của chị Cao Thị Quý (Lương Tài, Bắc Ninh) là một điển hình. Con gái chị bị sứt môi và hở hàm ếch cả hai bên, đã qua phẫu thuật 3 lần nhưng chưa hoàn chỉnh. Mới đây, biết thông tin về đợt khám chữa này, chị lại đưa con tới, hy vọng sau lần mổ thứ 4, con gái sẽ khỏi hẳn và có thể tự tin khi đến trường. Con chị, bé Nguyễn Thị Hồng Hạnh giờ đã 6 tuổi, vừa vào lớp một. Cô bé có bím tóc dài, làn da rám nắng cũng tỏ ra sợ sệt khi ở chỗ đông người. Ai hỏi em cũng mím chặt môi, không nói.

Chị Quý cho biết, lúc chị mới sinh, gia đình giấu, sợ chị sẽ sốc khi biết con bị dị tật. Mãi ngày hôm sau, chị mới được nhìn thấy con và dù đã được trấn an, chị vẫn không khỏi bàng hoàng. Suốt gần một năm sau khi sinh con, chị không dám bế cháu đi chơi đâu vì sợ những ánh mắt nhìn soi mói, chỉ trỏ vào gương mặt khiếm khuyết của cô con gái đầu lòng

Không chỉ bị dị tật vùng miệng như Hồng Hạnh, bé Nguyễn Thọ Nhật (xã Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An) còn bị tim bẩm sinh, hẹp hậu môn, bộ phận sinh dục biến dạng, nên gia đình em vô cùng vất vả trong việc chăm con.

Ảnh: Minh Thùy.

Trong lúc bố đi nhận phiếu khám, bé Nguyễn Thọ Nhật ngồi ngoan ngoãn trong lòng bà nội (hàng đầu tiên). Ảnh: Minh Thùy.

Chuyện ăn uống của Nhật từ nhỏ đã rất khó khăn. Em không thể bú mẹ nên phải cho ăn ngoài từ lúc mới sinh. Nhật thường xuyên bị sặc, cộng thêm bệnh tim, khiến nhiều lần bé tím tái, tưởng không qua khỏi. Đã 3 tuổi nhưng Nhật chỉ nặng chưa đầy 10 kg và chưa biết đi, biết nói. Thương con, dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mẹ Nhật chăm sóc em từng ly từng tí, kiên trì đổ từng muỗng sữa, thìa cháo, say từng con tôm, con tép cho con...

"Mẹ cháu say xe, lại sắp tới ngày sinh nên đợt này không đưa con đi được, ở nhà chắc hắn sốt ruột lắm", bà Tăng Thị Hường, bà nội bé cho biết. Bà kể, từ khi Nhật chào đời, ngoài việc vất vả chăm sóc cho cháu, gia đình cũng đau lòng khi nghĩ tới tương lai của con và mỗi lần thấy người khác chòng chọc nhìn cháu rồi lời ra tiếng vào.

Bà cho biết, sau ca mổ tim tại Bệnh viện Bạch Mai năm ngoái, sức khỏe của Nhật đã khá hơn, cháu đỡ ốm vặt, nên lần này gia đình mới dám cho con đi chữa sứt môi, hở hàm ếch.

Ảnh: Minh Thùy.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba đang khám sức khỏe cho một bé gái bị hở vòm ếch trước khi xếp lịch mổ cho em. Ảnh: Minh Thùy.

Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam cứ 500 trẻ em sinh ra thì có 1 em mắc các dị tật hở môi, hở hàm ếch và hàng năm có khoảng 3.000 trẻ sơ sinh bị dị tật này. Ước tính, hiện tại vẫn còn khoảng 15.000 trẻ dị tật vùng miệng chưa được phẫu thuật.

Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, chương trình phẫu thuật miễn phí lần này đã được phổ biến đến từng địa phương để các gia đình biết thông tin và đăng ký cho con em mình. Trước đó, mỗi năm bệnh viện cũng tiến hành phẫu thuật nụ cười miễn phí cho trẻ em từ 2 đến 3 đợt. Đây là một dị tật dễ mắc nhưng cũng dễ chữa, cơ hội phẫu thuật có thể giúp trẻ khắc phục đến 80-90% tình trạng bệnh.

Các bác sĩ cho biết, hiện tại chưa có cuộc nghiên cứu, khảo sát nào để đánh giá về tình trạng bệnh, tuy nhiên, thực tế cho thấy, trẻ bị bệnh chủ yếu do người mẹ bị nhiễm độc tố từ môi trường, thai phụ bị cảm cúm và uống thuốc cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Việc mắc dị tật này còn kéo theo nhiều ảnh hưởng khác tới sinh hoạt và sức khỏe của trẻ như các em dễ bị sặc khi ăn uống, hay viêm nhiễm đường hô hấp, khó nói, nói ngọng. Khiếm khuyết về mặt thẩm mỹ cũng khiến những em này luôn cảm thấy mặc cảm và khó hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là nỗi đau của nhiều phụ huynh. Một số bố mẹ có con mắc bệnh này thường cũng rất ngại ngần khi cho bé tới nơi công cộng.

Minh Thùy

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý