Nỗi nhớ nhà, nhớ Tổ quốc và nao lòng nhớ bánh chưng xanh

biettuot biettuot @biettuot

Nỗi nhớ nhà, nhớ Tổ quốc và nao lòng nhớ bánh chưng xanh

Tết đến, xuân về, người Việt Nam ta dù ở đâu chăng nữa đều bồi hồi xúc cảm, chộn rộn xốn xang, nhớ cảnh, nhớ người, nhớ những món ăn cổ truyền như bánh chưng, nem rán… đến nao lòng.

15/11/2017 11:47 AM
953

Người Việt Nam ta dù ở đâu chăng nữa đều bồi hồi xúc cảm, chộn rộn xốn xang, nhớ cảnh, nhớ người, nhớ những món ăn cổ truyền như bánh chưng, nem rán… đến nao lòng.

Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có gia đình và có một quê hương để mà thương mà nhớ. Nơi ấy là nơi ta cất tiếng khóc chào đời với biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ và chất chứa bao những buồn vui cho đến lúc trưởng thành.

Đặc biệt, khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ gỡ xuống cũng là lúc lòng những người con xứ chạnh buồn nghĩ tới quê hương, nghĩ đến cái tết nơi quê nhà với bao những kỷ niệm vẹn nguyên thấm thía nghĩa tình.

Nỗi nhớ nhà, nhớ Tổ quốc và nao lòng nhớ bánh chưng xanh - Ảnh 1Phóng to

Sống ở những miền đất lạ, đến dịp Tết Nguyên đán, họ vẫn thường phải tất tả lo toan công việc theo thông lệ của nước sở tại. Thế nhưng, dường như trong lòng tất cả những người Việt xa quê hương, “mùi vị” của Tết quê nhà vẫn luôn thấm đẫm.

Nhớ cái không khí những ngày giáp Tết, đặc biệt là những vùng nông thôn, nhớ cảnh các bà các chị tất bật, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo hay đãi đỗ, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm dù ngoài trời sương lạnh, buốt giá nhưng vẫn không át được không khí ấm nồng.

Nỗi nhớ nhà, nhớ Tổ quốc và nao lòng nhớ bánh chưng xanh - Ảnh 2Phóng to

Đi du học ở Nga rồi công tác, kết hôn và định cư tại Nga, Canada và hiện giờ là UAE, tính đến nay chị Lê Thị Thu Hà đã xa nhà 27 năm. Đó cũng là 27 lần chị không được hưởng không khí mà người người, nhà nhà nhộn nhịp đón Tết. Mỗi lần xé tờ lịch âm cuối cùng của năm cũ, trong lòng chị lại dâng lên một nỗi nhớ khôn nguôi về “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Dù xa quê hương đã lâu nhưng cái Tết của gia đình chị Hà ở xứ người không vì thế mà thiếu đi hương vị truyền thống. Cứ mỗi chiều 30 là chị lại cố gắng chuẩn bị đầy đủ bánh chưng, nem rán, canh măng...

Nỗi nhớ nhà, nhớ Tổ quốc và nao lòng nhớ bánh chưng xanh - Ảnh 3Phóng to

Bánh chưng - đó là hồn Việt ngày Tết mà như bà con nói: Không có bánh chưng thì chưa phải là Tết. Gia đình bác Thẩm Hồng Tân đã xa quê hơn 30 năm nhưng năm nào hai bác cũng gói bánh chưng.

Từ những năm đầu còn chưa có lá dong, bác Tân cũng như nhiều bà con Việt kiều khác còn phải gói bánh bằng giấy bạc. Năm nay, hai bác đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn gói tận 50 chiếc bánh để đón Xuân.

Theo hai bác thì con cháu trong nhà đều rất thích ăn bánh chưng nên dù vất vả cũng cố làm để vừa có bánh vừa có không khí Tết. Bác Tân tâm sự: “Tết mà không gói bánh chưng thì không phải Tết nên gia đình năm nào cũng gói để cho các cháu biết Tết dân tộc của mình”.

Để có được những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn, bác gái Lâm Thị Kiêu đã phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Không đơn giản như ở Việt Nam ra chợ là có ngay lá dong, ở Luân Đôn, bác Kiêu phải mất nhiều thời gian để tìm mua lá rồi chuẩn bị những công đoạn khác. Bác cho biết: “Tôi đi mua lá dong, mua gạo, đỗ, thịt, mua dần mỗi hôm một thứ. Gần đến lúc gói bánh, tôi đun một nồi nước sôi để trần lá dong, như vậy vừa sạch vừa dễ gói”.

Nỗi nhớ nhà, nhớ Tổ quốc và nao lòng nhớ bánh chưng xanh - Ảnh 4Phóng to

Có thể nói, với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

Từ nỗi nhớ hoa đào, nhớ thược dược mà mẹ vẫn mua; nhớ mùi hương nhu, vỏ bưởi lẫn mùi già tắm gội tất niên, nhớ mùi bánh chưng, nhớ không gian phố phường nhộn nhịp hoa đào những ngày xuân sang, rồi có lần khóc khi xa quê... có thể thấy, dù sống trong điều kiện nào thì cộng đồng người Việt ở các nước trên thế giới vẫn hướng lòng mình về với Tổ quốc. Điều đó giống như những sợi dây kết nối Việt Nam với kiều bào nước ngoài trên toàn thế giới, và người Việt có đi muôn phương vẫn không quên được cội nguồn dân tộc!

Nguyễn Hà (T/h)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý