Phim Việt đang đi... ngang

msstit msstit @msstit

Phim Việt đang đi... ngang

Sẽ là người hồ đồ khi nói rằng phim Việt hiện thời không có định hướng. Rõ ràng định hướng của phim Việt cho hôm nay và cho mãi ...

17/05/2011 11:46 AM
13,028
Kết hợp cả hai yếu tố ấy, phim Việt mới có thể tìm lại được lại chính mình trước bão táp của kinh tế thị trường.

Nhận diện phim Việt hôm nay


Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh, sự tồn vong của dân tộc đã làm bà đỡ cho sự thành công của phim Việt. Bây giờ không còn chiến tranh nữa thì cái gì sẽ thay làm bà đỡ cho nó. Kinh tế thị trường ư? Nhưng thị trường cũng phải ra thị trường, cạnh tranh phải lành mạnh, công khai chất lượng sản phẩm, quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng, chứ không phải là sự chộp giật tức thì mà không ít người vẫn nghĩ đấy là thị trường.


Có lẽ câu nói ấn tượng nhất về thực trạng phim Việt hôm nay thuộc về Đạo diễn-NSƯT Lê Cung Bắc, tác giả của nhiều bộ phim gây được sự chú ý của dư luận và công chúng. Khi có người hỏi anh về tương lai điện ảnh nước nhà, rằng nó đang đi lên hay đi xuống, anh bảo: Nó không đi lên, cũng chẳng đi xuống mà đi... ngang như con cua đang bò.

Theo anh, mọi nhận định, đánh giá của nhà quản lý, người trong cuộc, giới chuyên môn, công chúng... còn mang nặng sự cảm tính với những câu nói vo, bài phát biểu trong các hội nghị giao ban, tổng kết, trao giải, phát động một phong trào hay những bài báo dù là chỉ trích hay khen ngợi cũng chỉ mang tính “điểm danh” nhằm mục tiêu PR. Thực sự cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào công phu, nghiêm túc phân tích một cách khoa học nhằm giúp cho các nhà quản lý, những người trong cuộc nhận ra một cách xác thực về mình hay vạch đường chỉ lối một hướng đi có tính khả thi cao, tức là phim làm ra phải hút được công chúng đến rạp, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, doanh thu tốt để tất cả những người tham gia sản xuất đều có thể sống được bằng chính cái nghề mà mình đam mê, theo đuổi, lại vừa có khả năng thúc đẩy điện ảnh nước nhà tiến xa hơn vào sân chơi hội nhập quốc tế.

Trước đây, nằm trọn trong thời kỳ kinh tế bao cấp, phim Việt đã tự khẳng định được thương hiệu của mình với cái tên: Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Thời kỳ này, nền điện ảnh Việt đã có những bộ phim đặc sắc, để đời, có nhiều giải thưởng tại các cuộc liên hoan phim khu vực và quốc tế với một dàn sao đích thực đầy tài năng và tâm huyết như Hải  Ninh, Phi Nga, Trà Giang, Hồng Sến, Thế Anh, Lâm Tới...

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, thương hiệu điện ảnh Việt ngày càng nhạt nhòa trong lòng người hâm mộ cũng như bạn bè quốc tế, mặc dù nền kinh tế đã chuyển sang hướng thị trường, đời sống mọi tầng lớp nhân dân có khấm khá hơn. Ngay cả những bộ phim được Nhà nước đặt hàng, đầu tư hàng chục tỉ đồng, cũng chỉ là những thước phim cúng cụ, làm xong, nghiệm thu và cho vào kho lưu trữ. Đã có không ít bộ phim chưa được ra rạp lấy một giờ hay lên sóng truyền hình lấy một buổi. Như vậy, xem ra lý do kinh tế không thể nào lý giải cho việc đi xuống hay đi lên, thậm chí là đi... ngang của phim Việt. Cần tiền đầu tư, có tiền. Cần quay và làm hậu kỳ ở nước ngoài, có giấy phép và cả tiền để đi làm. Cần thuê trường quay, đạo diễn, diễn viên, có tiền và có người. Cần kịch bản hay, có kịch bản. Nhưng phim Việt vẫn cứ đi... ngang. Vậy thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là ở đâu?

Câu hỏi ấy không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý, sản xuất, các nghệ sĩ thực sự có tâm với nghề, làm nhụt chí những người một thời háo hức với môn nghệ thuật thứ bảy này, mà còn làm dư luận băn khoăn, thắc mắc một khi chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng.
 

Cảnh phim Cánh đồng hoang.

Thử đi tìm câu trả lời

Có người ví, từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, phim Việt như chiếc thuyền nan giữa đại dương bão táp trước sự tấn công ồ ạt của nhiều loại hình giải trí khác thông qua mạng internet, công nghệ kỹ thuật số... Nhưng đáng sợ nhất là những phim “khủng” xét về mọi khía cạnh từ tiền đầu tư, đến kịch bản, đạo diễn, diễn viên, trường quay, công nghệ lăng-xê và cả khoản lobby - một công nghệ còn rất mới lạ đối với đại bộ phận người dân Việt. Tuy nhiên, chuyện đút lót, hối lộ tí chút để chiếm được một dự án làm phim, một chương trình phát sóng, thậm chí một cửa kiểm duyệt thì đã có từ lâu. Nhưng xem ra nó chỉ giống như trò “cảm ơn” của mấy anh nông dân nhà quê, mỗi khi có được một chút lợi trước mắt, dành được một suất dự án làm phim của Nhà nước, chứ chưa bao giờ đạt đến trình độ một công nghệ thực thụ, có chiến lược, có chi phí đầu tư, có những bước đi hiệu quả và quan trọng nhất là có một đội quân hành nghề mang tính chuyên nghiệp cao. Cùng với công nghệ lobby là sự trình làng những của ngon vật lạ đến từ xứ người với tiêu chí làm cho thượng đế của mình không chỉ được ăn món lạ, ngắm nhìn no mắt, mà đích cần đạt đến là nghĩ khác đi, tăng nhu cầu thưởng thức ở một trình độ cao hơn cả về tư tưởng lẫn thẩm mỹ.

Hai kiểu tư duy hiện thời của phim Việt dường như cho đến thời điểm này là bất biến: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua và tiền doanh thu. Thực chất lối tư duy như vậy là kiểu tuyên truyền một chiều, hiểu một cách hoặc là đồng tiền. Chẳng hạn như có mấy bộ phim chiếu trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội được Nhà nước đặt hàng tiền tỷ trở thành tác phẩm độc đáo, một báu vật để đời cho nền điện ảnh nước nhà. Chắc là không. Cũng chẳng thể có một bộ phim nào có doanh thu “khủng” của điện ảnh Việt từ sau năm 1975 đến nay trở thành những kiệt tác nghệ thuật.

Trong cả hai lối tư duy như vậy, các nhà quản lý, những người làm phim đã thả rông công chúng giữa cánh đồng hoang bất tận, tạo thành hai dòng chảy lạnh lẽo đến mức vô cảm đối với công chúng có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đích thực.

Dường như phim Việt hôm nay chỉ thành công trong các bản báo cáo thành tích của Hội nghề nghiệp và Bộ chủ quản. Và rồi cùng với nó là những bộ phim được vinh danh lại sẽ yên tâm “ngủ ngon” trong các tủ hồ sơ. Còn công chúng mãi vẫn là những chú nai vàng ngơ ngác đi tìm lại bóng hình xưa khi trời thu đã sang, những chiếc lá vàng bẽ bàng rời khỏi những cành cây khô bám đậu vào tâm trí với sự thổn thức, nhớ mong của người đời về một thời phim Việt. Nếu vậy, quả thực là phim Việt chẳng biết đi lối nào đành chấp nhận thân phận đi... ngang cho lành chuyện.         

Theo Sức khỏe & Đời sống
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý