“Phù thủy sắc đẹp” kể chuyện bên cạnh các cô dâu ngày cưới

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

“Phù thủy sắc đẹp” kể chuyện bên cạnh các cô dâu ngày cưới

Đằng sau khuôn mặt rạng ngời của cô dâu trong ngày cưới là sự vất vả, tỉ mỉ của những người thợ trang điểm trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Đi sớm về muộn thậm chí không kịp trang điểm cho b

23/10/2017 12:19 PM
865

Đằng sau khuôn mặt rạng ngời của cô dâu trong ngày cưới là sự vất vả, tỉ mỉ của những người thợ trang điểm trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Gọi họ là “phù thủy” cũng không ngoa, bởi họ có thể biến một cô gái bình thường thành mỹ nhân...

Thức khuya dậy sớm

Không phải bỗng nhiên mà người ta gọi nghề trang điểm cô dâu là nghề "làm dâu trăm họ". Bởi mỗi cô dâu lại có những yêu cầu khác nhau, nhiều khi là những đòi hỏi rất trái khoáy nhưng họ vẫn phải cố gắng làm hài lòng “thượng đế”. Để làm được điều ấy, bên cạnh việc phải liên tục học hỏi, cập nhật nâng cao tay nghề và nhạy bén với các xu hướng trang điểm mới, thợ trang điểm còn cần rèn luyện khả năng ứng xử, nhất là sự điềm tĩnh.

“Phù thủy sắc đẹp” kể chuyện bên cạnh các cô dâu ngày cưới - Ảnh 1Phóng to

Dù phải đứng vài giờ đồng hồ để trang điểm cho cô dâu thật xinh đẹp họ vẫn theo đuổi vì đam mê.

Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, Trâm Anh (Cẩm Khê, Phú Thọ) từng có 3 năm kinh nghiệm trong nghề trang điểm cho biết: “Mùa cưới chúng tôi bận tới mức không có thời gian nghỉ ngơi, có thể nói chúng tôi giống như những người chạy “sô” vậy, từ xã này sang xã khác để trang điểm cho các cô dâu. Tới thời điểm hiện tại, tôi cũng không nhớ mình đã trang điểm cho bao nhiêu người. Và tôi thấy rất hạnh phúc khi góp phần quan trọng cho ngày vui trọng đại của các cặp đôi”.

Nói về lý do theo nghề, Trâm Anh thổ lộ: “Từ bé tôi đã thích nhìn ngắm những cô dâu, trông họ xinh đẹp như những nàng tiên. Có lần đi qua cửa hàng áo cưới tôi dừng xe lại để ngắm những người thợ trang điểm dùng đồ nghề biến những khuôn mặt rất bình thường thành sinh động, có hồn và tôi ước mình có thể làm cho người khác đẹp lên như vậy. Cũng từ hôm đó, tôi ấp ủ ước mơ trở thành một người thợ trang điểm và có một cửa hàng cho riêng mình”.

Lớn lên một chút, Trâm Anh xin bố mẹ đi học nghề trang điểm, tuy nhiên, mẹ cô đã từ chối vì sợ con gái theo nghề này vất vả. Chưa kể, mẹ cô phân tích, làm nghề trang điểm, sau này lấy chồng cũng phải tìm một anh chàng thợ ảnh, như thế mới dễ bề làm ăn. Dù thế, Trâm Anh vẫn ấp ủ đam mê và cô âm thầm giấu mẹ đi học nghề.

Vốn là người thông minh cộng thêm sự đam mê với nghề nên Trâm Anh học hỏi rất nhanh. Chỉ sau vài tháng, cô có thể đi trang điểm thuê, cứ thế cô dần thành thục và được nhiều cô dâu tin cậy “chọn mặt gửi vàng”. Rồi những buổi hóa trang, chụp ảnh kỷ yếu của các bạn học sinh, sinh viên cô đều có mặt.

Trâm Anh cho biết: “Nghề này khéo tay chưa đủ để tạo ra một gương mặt hoàn hảo. Nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn nữa”.

Để theo nghề, Trâm Anh đã phải đầu tư không ít, từ tiền học cho đến tiền mua đồ trang điểm. Có những lần, Trâm Anh đặt mua cả bộ gồm: Son, phấn mắt, phấn má, chổi, cọ... lên tới hàng chục triệu đồng. Với cô, để khách hàng tin tưởng, cô luôn chọn mua đồ tốt, có thương hiệu để đảm bảo da mặt cho khách...

“Phù thủy sắc đẹp” kể chuyện bên cạnh các cô dâu ngày cưới - Ảnh 2Phóng to

Bộ đồ nghề của “phù thủy sắc đẹp” khá đắt và được lựa chọn kỹ lưỡng.

“Nghề trang điểm cô dâu chẳng sung sướng gì. Vào mùa cưới thì liên tục phải thức khuya dậy sớm, nhưng cũng có thời điểm cả tháng không có “sô” nào. Mỗi cô dâu khi trang điểm để chụp ảnh cưới phải mất vài tiếng đồng hồ. Vì khuôn mặt của họ khác nhau nên phải lựa chọn đồ trang điểm, phấn, quần áo sao cho phù hợp nhất. Nếu gặp phải cô dâu khó tính có khi phải trang điểm 2 lần.

Sau đó phải theo cô dâu đi chụp ảnh cưới bất kể thời tiết nào. Có hôm nắng gắt, có hôm mưa phùn chúng tôi vẫn phải lặn lội theo cô dâu chú rể từ đầu đến cuối. Khi nào tóc bị gió thổi mất nếp thì sửa theo yêu cầu, cũng như khi phấn má bớt hồng mình phải dặm thêm... Những khi đó, dù mệt mỏi cũng không được nhăn nhó, cáu gắt, vì đó là công việc của mình”, Trâm Anh kể.

Cùng suy nghĩ với Trâm Anh, Kim Ngân (SN 1988, quê ở Bắc Giang) có 7 năm kinh nghiệm cho biết thêm: “Không chỉ trang điểm khuôn mặt mà người thợ trang điểm còn phải tạo các kiểu tóc phù hợp với cô dâu. Có những cô gái xem ảnh qua mạng, thấy cô dâu khác đẹp lung linh nên họ luôn yêu cầu chúng tôi phải tạo đúng kiểu như thế. Đôi khi, kiểu đó không hợp với khuôn mặt của họ chúng tôi phải tư vấn lại để họ có phong cách đẹp nhất.

Có lần, tôi gặp phải một cô dâu khó tính như thế, nên khi tôi nói: “Kiểu đó không hợp với em đâu”, cô ấy lại giận dỗi, đòi làm y chang hình kia. Cuối cùng, đúng như tôi nói, kiểu trang điểm đó không hề hợp với cô ấy. Cũng may, còn thời gian tận 2 tiếng nữa nhà trai mới đến nên tôi đành trang điểm lại cho cô ấy. Nếu phải thợ trang điểm khó tính thì bỏ về lâu rồi”.

Cũng theo Kim Ngân, tiền công trang điểm thường không cố định. “Nhiều nhà cô dâu có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi lại lấy giảm tiền đi. Coi như đó là một món quà chúc mừng nhân ngày trọng đại của họ”, Kim Ngân chia sẻ.

Kim Ngân còn nhớ như in một kỷ niệm khó quên trên hành trình làm nghề của mình. Đó là lần Ngân lên một bản trên Yên Bái để trang điểm cô dâu, vì quá vội cô quên không mang theo keo gắn mi giả trong khi nhà cô dâu lại ở bản nghèo, không ai bán những thứ mà Ngân đang cần. Kim Ngân đánh liều lấy nhựa hồng xiêm để gắn mi giả cho cô dâu. Khi nhà trai đến, cô dâu vì xúc động nên khóc như mưa. Khi đó, Kim Ngân đứng ngồi không yên sợ mi bị bong ra.

Cũng theo Kim Ngân: “Thời nay, trang điểm cô dâu khó hơn rất nhiều. Đôi khi ngồi mất 3-4 tiếng đồng hồ nhưng vẫn bị khách chê lên chê xuống. Nhưng khuôn mặt họ chỉ được có vậy mà cứ đòi hỏi cao thì thật sự quá khó”.

Theo trào lưu, hiện nay, có không ít đôi bạn trẻ thích chụp ảnh dã ngoại, có đôi lên núi, có đôi lại ra biển và đi theo họ là một đoàn người từ chụp hình đến trang điểm.

“Với những buổi chụp hình dã ngoại như vậy phải đi xa nhưng tiền công cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều cô dâu thuê trọn gói, nhưng có cô dâu thích thợ trang điểm riêng nên họ sẵn sàng chi tiền. Ngày trước thì thợ trang điểm chỉ được 100.000 đồng/lần trang điểm, rồi dần tăng lên 150.000 đồng/lần. Hiện nay là 500.000 đồng/lần trang điểm cô dâu, còn trang điểm dự tiệc hay hội nghị thì ít hơn”, Kim Ngân bộc bạch.

Không có thời gian làm đẹp cho mình Làm nghề trang điểm bận rộn nhất là mùa cưới. Không ít lần Kim Ngân phải từ chối khách hàng vì cô muốn đảm bảo chất lượng trang điểm cho khách. Với cô gái trẻ, làm nghề phải đặt chữ Tâm lên hàng đầu.

“Không hiếm những cuộc đón dâu lúc 4, 5h sáng. Vì thế, tôi phải dậy chăm sóc cô dâu từ 2, 3h sáng. Có những cuộc đón dâu đi xa thì 1h sáng cô dâu đã có mặt ở nhà mình rồi nếu không sẽ không kịp giờ lên xe hoa. Chưa kể, khi xong cô dâu này, tôi phải chạy đến làm cho cô dâu khác. Lịch cứ thế, nối tiếp nhau. Mà trang điểm cho một cô dâu đâu có nhanh. Mình phải làm cẩn thận từ khuôn mặt, mái tóc đến những bông hoa cài đầu. Có người còn yêu cầu gắn mi giả theo đúng ý của họ”, Kim Ngân tâm sự.

Không có nhiều năm kinh nghiệm như Kim Ngân nhưng Trâm Anh lại khá nổi tiếng vì đôi bàn tay “phù thủy” của mình. Vào mùa cưới, Trâm Anh lại bận rộn với những chuyến đi xuyên màn đêm để đến nhà cô dâu làm đẹp cho họ.

Trâm Anh kể: “Có những hôm đẹp ngày, tôi đi làm từ 2-3h sáng. Hôm nào chồng không bận thì đưa đi, vì anh cũng làm thợ ảnh. Nhưng có hôm tôi phải tự đi một mình. Là phụ nữ, không quen đường nên rất sợ nhưng vì nghĩ đến cô dâu đang chờ mình, đó cũng là niềm đam mê của mình nên cái sợ nó cũng biến mất. Một buổi sáng có khi trang điểm cho 5 - 6 cô dâu, cứ xong chỗ này lại chạy sang chỗ khác. Người ngoài nhìn vào cứ nghĩ là sướng, chỉ việc tô tô trát trát nhưng họ đâu biết, chúng tôi phải dậy khi họ ngủ ngon giấc, khi đi làm về họ mới ngủ dậy. Về nhà chưa kịp ăn sáng là có cô dâu đi chụp ảnh cưới và lại bắt tay vào làm luôn”.

Do phải làm việc sớm nên Trâm Anh thường không có thời gian để trang điểm cho mình. Tuy nhiên, mỗi khi bắt tay vào công việc là cô làm thật nghiêm túc, tỉ mỉ nên ít khi xảy ra sự cố. Không chỉ trang điểm cho cô dâu, mà người nhà cô dâu cũng yêu cầu trang điểm. Vì thế, Trâm Anh phải làm thật nhanh tay cho mỗi gương mặt để kịp giờ cô dâu lên xe hoa.

Ngày trọng đại xong, khi cô dâu đến trả váy cưới thì cũng là lúc những thợ trang điểm phải tự mình giặt váy cưới. Có lúc, họ méo mặt khi váy cô dâu bám đầy đất đỏ. Thế nhưng, họ đâu dám phàn nàn với khách mà vẫn phải vui vẻ nhận lấy đồ. Hơn nữa, mỗi thợ trang điểm phải thường xuyên nắm bắt các xu hướng trang điểm mới, từ mái tóc đến khuôn mặt không sẽ bị chê “cũ tay”.

“Lấy chồng làm thợ ảnh nên tôi cũng “hút” thêm được nhiều khách. Không phải mùa cưới, vợ chồng tôi lại đi chụp ảnh kỷ yếu, ảnh dã ngoại cho các bạn trẻ. Vì hiểu được công việc của tôi nên chồng cũng thông cảm để vợ đi sớm về khuya. Chứ nhiều đồng nghiệp của tôi sau khi lấy chồng là phải bỏ nghề”, Trâm Anh bộc bạch.

Những người làm nghề trang điểm cô dâu cũng giống như đi “làm dâu trăm họ”. Mỗi người một ý nên họ cần phải khéo léo để chiều lòng các “thượng đế”. Khen có, chê có nhưng họ nói chỉ cần tận tâm với nghề sẽ vượt qua được. Sau mỗi tấm hình đẹp, gương mặt cô dâu rạng ngời trong ngày cưới là họ hạnh phúc và có thêm động lực để bắt đầu một ngày làm việc mới.

Mai Hằng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý