Thiếu úy trao cho con sự sống và những 'Giọt nước mắt để dành'

biettuot biettuot @biettuot

Thiếu úy trao cho con sự sống và những 'Giọt nước mắt để dành'

Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi thay cho lời chào tạm biệt người mẹ, người chiến sĩ dũng cảm Đậu Thị Huyền Trâm...

29/07/2016 10:19 AM
2,527

Câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi), công tác tại Phòng tham mưu (PV11) Công an tỉnh Hà Tĩnh dành cho con đã làm rung động nhiều trái tim.

Theo đó, khi mang thai đến 24 tuần, chị Trâm đã biết mình mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Thế nhưng, thay vì lựa chọn bỏ cái thai để hóa trị, xạ trị thì người mẹ này lại từ chối mọi biện pháp điều trị để bảo vệ tính mạng của con.

  Thiếu úy trao cho con sự sống và những 'Giọt nước mắt để dành' - Ảnh 1

Câu chuyện về người mẹ từ chối điều trị ung thư để bảo vệ sự sống cho con gây xúc động mạnh những ngày qua.

Trong những ngày qua, câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng này đã chạm vào trái tim của nhiều người. Rất nhiều người dùng mạng đã dành tình cảm đặc biệt cho người mẹ này mong một phép màu kỳ diệu có thể xảy ra.

Nhưng vào ngày (27/7), trong cơn mưa tầm tã, Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm đã trút hơi thở cuối cùng sau nhiều ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.

Hình ảnh đồng đội, người thân, bạn bè và bà con phố phường có mặt tại nhà bố mẹ chồng của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm tại phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) tiễn đưa người mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng vào chiều 28/7 đã khiến tất cả không kìm nén được những dòng nước mắt.

  Thiếu úy trao cho con sự sống và những 'Giọt nước mắt để dành' - Ảnh 2

Người chồng (áo đen) của Thiếu úy Huyền Trâm khóc thương vợ (Ảnh: Zing.vn).

Trong ngày hôm nay, sau khi đọc được những thông tin về người mẹ này, anh Nguyễn Ngọc Long (Blogger nổi tiếng) cũng đã có những quan điểm cá nhân xung quanh tình mẫu tử và giọt nước mắt của tất cả mọi người.

Theo đó, bản thân anh cho biết cũng rất xúc động khi biết câu chuyện về nữ thiếu úy Huyền Trâm. Tuy nhiên, bên cạnh đó anh cũng nhắc nhở mọi người xúc động trước những điều xung quanh là tốt, nhưng cũng đừng quên còn một người rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người: "Ở rất gần, rất sâu, ngay trong từng mạch máu, tế bào, hơi thở...".

Bài viết của anh cũng đã chạm trái tim người đọc: "Tớ thích những bài như thế này của bạn, thật sự rất sâu lắng. Tớ nhận thấy sự vĩ đại của Trâm, khóc thương vì sự hy sinh đến tận cùng của cô ấy. Bên cạnh đó tớ vẫn rất hiểu và trân quý những gì mà bố mẹ dành cho tớ, chưa bao giờ tớ phải xấu hổ vì quên bổn phận làm con".

  Thiếu úy trao cho con sự sống và những 'Giọt nước mắt để dành' - Ảnh 3

Bài chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Long tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm.

Chia sẻ thêm với PV Báo Người Đưa Tin, anh Nguyễn Ngọc Long cho biết: "Không phải "Nước mắt để dành" là dành cho người yêu thương mình trước. Mà ngược lại, bất cứ ai cũng nên để cảm xúc của mình được phát triển một cách tự nhiên.

Cuộc đời này sinh động và đầy xúc cảm. Bạn có thể khóc cho chị Huyền Trâm, cho một người xa lạ, cho một cành cây ngọn cỏ. Tôi tin đó là những việc rất nên làm. Mẹ là người vĩ đại, nhưng không cần thiết phải ở nhà ôm mẹ và khóc lóc cả đời.

Mơ ước của tôi là, các bạn trẻ hãy ra ngoài cuộc sống, hãy trải nghiệm và khóc cười cho những điều mới mẻ. Nhưng luôn để dành chỉ duy nhất một giọt nước mắt trong những cơn trào dâng cảm xúc ấy để nhớ về mẹ của mình. Như vậy là quá đủ".

Được sự đồng ý của anh, xin trích nguyên văn bài chia sẻ nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng:

"NƯỚC MẮT ĐỂ DÀNH!

Đọc bài viết và coi đoạn clip quay lại giây phút chị Đậu Thị Huyền Trâm được "gặp con" qua lớp kính trong lồng ấp, bàn tay này xoa lấy bàn tay kia để cảm nhận thịt da của hình hài bé bỏng... ai cũng có thể yếu lòng!

Tôi thậm chí còn ngây người ra trong gần 10 phút để suy nghĩ thật lâu và thật sâu về mọi thứ. Suy nghĩ về cuộc sống, về cái chết, về tình mẫu tử thiêng liêng và những sự hy sinh được coi là cao cả.

Rồi tôi biết trong lòng mình đang khóc. Nhưng không phải cho người mẹ dũng cảm này, mà cho sự hy sinh của hàng triệu bà mẹ khác trên khắp Việt Nam.

Trong đầu tôi hiện lên câu hỏi, nếu một người nào đó được coi là vĩ đại, thì những người khác liệu có tầm thường?

Tôi nhớ đến mẹ mình, mẹ của những người bạn của mình và mẹ của hàng nghìn ai đó mà tôi đã gặp và đã biết trong suốt những năm rong ruổi.

Tôi ước gì mình có thể cảm nhận sự vất vả của mười ngày chín tháng mang thai, nỗi đau xé da xé thịt của những lần sinh nở. Những trằn trọc đêm hôm khuya sớm, những tiếng thở nhẹ mà sâu hun hút trong những đêm dài thăm thẳm con ốm con đau con bệnh.

Tôi nhớ lại những khuôn mặt gầy gò hốc hác, đôi mắt trũng sâu đỏ hoe ngồi bệt xuống đất nhấm những ổ bánh mì khô khốc bên hành lang bệnh viện. Tôi nhớ dáng người nhỏ thó, rụt rè, chiếc áo công nhân sờn rách mang theo những đồng bạc lẻ được ve vuốt đến phẳng lì lấp ló ngoài phòng học.

  Thiếu úy trao cho con sự sống và những 'Giọt nước mắt để dành' - Ảnh 4

Di ảnh của thiếu úy Trâm. Ảnh: Kenh14

Tôi nhớ đến hàng trăm hàng nghìn hàng triệu bà mẹ khác mà tôi biết, tôi quen, tôi thấy và tôi tình cờ quan sát được. Không có một bà mẹ nào là không vĩ đại. Không có một bà mẹ nào coi việc hy sinh tất cả bản thân mình cho con cái gia đình là một điều gì đặc biệt đáng phải lưu tâm.

Và cứ thế, những điều vĩ đại ấy trở nên bình thường và khiến người ta vô cảm.

Tôi đọc hàng trăm comments trong nhiều bài báo với những dòng nước mắt khóc ngập màn hình. Đó là cảm xúc rất tự nhiên của mỗi con người và đều trân quý cả. Nhưng tôi vẫn có một ước mơ rất nhỏ bé thôi. Là sau tất cả, khi bình tâm lại, người ta vẫn có những giọt nước mắt để dành.

Để khóc thương, tri ân và ngưỡng mộ cho một người mà với bản thân họ còn cao cả, vĩ đại gấp trăm gấp ngàn lần chị Đậu Thị Huyền Trâm. Người đó, ai cũng chỉ có một trên đời, ở rất gần, rất sâu, ngay trong từng mạch máu, tế bào, hơi thở...".

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Thanh Lam

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý