Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

daikieu daikieu @daikieu

Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quốc Cường chia sẻ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

10/12/2017 10:07 AM
191

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quốc Cường chia sẻ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Bệnh viện Phổi trung ương vừa cung cấp thông tin mới nhất về bệnh lao, đồng thời đẩy mạnh cam kết đa ngành thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống Lao & Hưởng ứng Tuyên bố Matxcova về chấm dứt bệnh Lao toàn cầu năm 2030.

PGS. Nguyễn Viết Nhung-Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương thông báo sự kiện Tuyên bố chung Matxcova về chấm dứt bệnh lao của Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về phòng chống Lao tại Matxcova (Liên Bang Nga) trong hai ngày 16-17/11/2017. Ông Nhung nói đây là dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp phòng chống bệnh lao của Việt Nam và trên toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 - Ảnh 1Phóng to

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với các phiên toàn thể và các phiên thảo luận chuyên đề nhằm đi đến một tuyên bố chung về cam kết chính trị hành động chấm dứt bệnh lao lao vào năm 2030.

Cũng tại Hội thảo này, nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống lao của Việt Nam đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quốc Cường chia sẻ và được các chuyên gia ghi nhận và đánh giá cao. Như kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới theo khuyến cáo của WHO trong việc phát hiện và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc ở Việt Nam. Đặc biệt, chương trình thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn.

Được biết, năm 2014, chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào 2030 của WHO. Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015 – 2020. Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây.

Dù chiến lược khá rõ ràng nhưng Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Bởi hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu.

Theo ông Nhung, hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5-6%, số tử vong vì bệnh giảm nhanh hơn. Trong hai năm 2015- 2016, cả nước đã giảm 3 nghìn người chết vì lao. Nguyên nhân là bệnh nhân phát hiện bệnh sớm hơn, chủ động và nhiều hơn.

Đặc biệt số bệnh nhân không được phát hiện, được gọi là tảng băng chìm cũng có xu hướng giảm. Mỗi năm, cả nước có khoảng 126 nghìn người mắc lao, trong đó chỉ 105-106 nghìn người được phát hiện bệnh, còn lại khoảng 20 nghìn người chưa được phát hiện.

“Bệnh lao không gây tử vong rầm rộ như tai nạn giao thông hay tai biến sản khoa mà chúng được báo trước, diễn biến một cách âm thầm nên được gọi là kẻ giết người thầm lặng”, ông Nhung nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nhung, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây bệnh lao ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế vì đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng; xã hội còn kỳ thị với bệnh nhân lao. "Đặc biệt, do thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài nên nhiều bệnh nhân bỏ dở phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng kháng lao ngày càng tăng", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thừa nhận.


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý