"Tôi sẽ hiến xác..."

biettuot biettuot @biettuot

"Tôi sẽ hiến xác..."

Chiếc xe tang xé màm đêm lao đi. Trên xe, hai nhân viên y tế đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Đó là một trong những ca tiếp nhận xác hiến tự nguyện cho y học ở ĐH Y Hà Nội.

25/04/2017 05:18 PM
169

"Alô! Viện Giải phẫu Đại học Y Hà Nội? Mẹ tôi là Ng... ở... đã mất... Thực hiện nguyện vọng cuối đời của mẹ tôi... Vâng! chúng tôi sẽ đến ngay..." Chiếc xe tang xé màm đêm lao đi. Trên xe, hai nhân viên y tế đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Đó là một trong những ca tiếp nhận xác hiến tự nguyện cho y học ở Viện Giải phẫu - Đại học Y Hà Nội.

LTS: Tác giả Minh Thụy, vốn là đồng nghiệp của chúng tôi, anh mong muốn tác phẩm của anh được đăng tải lại. Bài viết xúc cảm, lay động lòng người đọc về lòng vị tha, trắc ẩn xin được giới thiệu lại với bạn đọc.

Hành trình xác hiến

Sau khi thắp hương phúng viếng, xác được đưa lên xe về viện. Các bác sĩ tiêm ngay vào xác khoảng 2 - 3 lít hoá chất cho ngấm đều để chống phân huỷ. Sau đó theo dõi một tuần, xác căng, thuốc ngấm đều mới mang ngâm vào bồn cùng với dung dịch formol, acool, fenol, gluceril để bảo quản.

"Tôi sẽ hiến xác..." - Ảnh 1

Đại đức Thích Đức Tiến, trụ trì chùa Thọ Cầu (Hà Nội) một người tình nguyện hiến xác cho khoa học.

Bác sĩ Nguyễn Trần Quýnh, người kiêm việc nhận xác hiến của viện chỉ vào hai xác ướp như người đang nằm ngủ ở tầng 2, 108 Tăng Bạt Hổ bảo, các nhân viên y tế đi nhận xác hiến thường phải chạy đua với thời gian vì thân nhân người quá cố thường chần chừ rồi mới gọi điện báo mà việc xử lý xác phải tiến hành thật nhanh, sao cho trước 24 giờ tính từ khi người tự nguyện hiến xác qua đời. Những xác được xử lý kịp thời có thể lưu giữ lâu dài không bị biến dạng, đổi màu.

Tuỳ theo điều kiện, người thân của họ có thể vào thăm viếng gặp lại “người xưa” sau hàng chục năm! Xác ướp khi mang ra sử dụng thì chỉ được từ 1-2 năm. Sau thời gian này gia đình nào muốn nhận lại xác người thân có thể liên hệ làm thủ tục đem thiêu hoặc mai táng.

Ông Quýnh cũng khuyến cáo: nếu mai táng thì nên chôn vĩnh viễn vì xác đã ướp rất khó phân huỷ. Còn “giao phó” cho trường lo “hậu sự”, xác sẽ được hoả thiêu, tro sẽ được thờ tại viện và được ghi danh, phong tặng.

Vào thời điểm tác giả viết bài này năm 2005, ở nước ta có ba trường Đại học: Y Hà Nội, Y Huế, Y TP.HCM có quyền được nhận xác hiến cho nghiên cứu khoa học.

Quà tặng cuộc sống

Lần theo địa chỉ trong những lá thư tình nguyện, chúng tôi tìm đến chùa Thọ Cầu, 19 Cầu Giấy, Hà Nội. Sư trụ trì, Đại đức Thích Đức Tiến, lúc đó, 33 tuổi, trong bộ đồ nâu sồng vui vẻ tiếp chuyện. Chẳng cần phải rào trước đón sau ông nói ngay: “Tất cả các thủ tục đã hoàn tất. Việc này tôi đã giao cho 4 đệ tử ruột.

Họ đều tán thành nhưng tôi biết đó không phải là chuyện dễ dàng với họ. Khi phát nguyện, tôi cũng thăm dò bạn bè và các phật tử: 70% ủng hộ tâm nguyện của tôi, chỉ có 30% bảo sư phụ hiến xác cho khoa học, chúng con không có gì tiễn đưa lúc lâm chung thì buồn lắm. Tôi còn căn dặn mọi người: khi nào thấy mình hấp hối thì nên thuê ô tô chở đến thẳng Viện Giải phẫu 108 Tăng Bạt Hổ để xác tôi giúp ích cho việc nghiên cứu khoa học được càng nhiều càng tốt!” . Rồi ông cười hiền lành: biết đâu từ cái xác của tôi một người bệnh nào đấy sẽ được cứu sống!

Đại đức Thích Đức Tiến sinh ra trong một gia đình viên chức ở quận Ba Đình Hà Nội, là anh cả trong gia đình có ba anh em trai. Ông là người được người thân và mọi người quý trọng về sự hiểu biết cũng như đức độ từ nhỏ. Ông xuất gia từ năm 16 tuổi và được đào tạo bài bản về giáo lý nhà Phật. Quan niệm của ông về hậu sự: “Xây tháp, xây lăng to làm gì? Trăm năm trước ta chưa có. Trăm năm sau có cũng hoàn không. Cuộc đời sắc sắc không không. Chỉ còn lưu lại tấm lòng từ bi!”.

Ông bà Đàm Tiến, cán bộ nghỉ hưu ở quận Cầu Giấy, Hà Nội thì lại giản dị: “Có gì đâu, hai vợ chồng tội tự nguyện hiến xác cho khoa học cũng chỉ vì một lần vào bệnh viện thăm người thân đã chứng kiến cảnh ra đi của một cháu nhỏ. Hình ảnh đứa bé quằn quại đau đớn và tiếng kêu xé lòng của người mẹ mất con cứ ám ảnh vợ chồng tôi mãi... Nước mình còn nghèo, phương tiện y tế thiếu thốn đủ đường. Chúng tôi không có vật chất để giúp lúc còn sống thì khi chết mình có tâm nguyện như vậy... Hy vọng đất nước sẽ đào tạo được nhiều bác sĩ giỏi, cứu được người bệnh thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo. Vậy thôi!”

"Tôi sẽ hiến xác..." - Ảnh 2

Trong chồng đơn 120 lá gửi về Viện Giải phẫu 108 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội có đủ các thành phần, lứa tuổi từ mọi miền đất nước. Có đơn dài hàng chục trang bày tỏ ngọn ngành tâm huyết nguyện vọng. Có đơn ngắn chưa đầy trang giấy nhưng cũng đủ ý, đủ lời. Có đơn còn kèm theo cả ảnh, chứng minh nhân dân phô tô. Đơn thì của những người già 70, 80 tuổi. Đơn thì của em học sinh mới học lớp 11! Có lá đơn còn ghi rõ cân nặng, chiều cao và cả... đôi mắt bị cận 3 đi ốp với lo lắng: "Viện có nhận xác cháu không?".

Đó là N.M.H sinh viên Toán tin, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội: “... Nhận được đơn này, nếu như không may cháu có bị đột tử, các cô các bác cứ thấy bộ phận nào trong cơ thể cháu còn dùng được thì lấy ghép cho bất kỳ người bệnh nào cần! Ở cõi vĩnh hằng cháu sẽ rất vui khi biết mình đã làm được một việc có ích...”. Mọi người ở Viện Giải phẫu bảo với chúng tôi rằng: chồng đơn được xếp trang trọng trong tủ kính, nơi đầu hành lang dẫn lên phòng thực hành của viện là nơi cất giữ hình bóng của những trái tim nhân hậu!

Quyền hiến xác thuộc về ai?

Những đơn thư tự nguyện hiến xác cho khoa học dù gửi đến bằng đường bưu điện hay email... đều được phúc đáp hướng dẫn cụ thể, đầy đủ về các thủ tục pháp lý cần thiết. Trong yêu cầu đều ghi rõ để thực hiện được nguyện vọng hiến xác cho khoa học người hiến xác ngoài đơn tình nguyện của mình còn phải thuyết phục bố, mẹ, vợ, chồng, con cái đủ tuổi thành niên ký đồng thuận thì mới thực hiện được.

Ngay vợ chồng ông Đàm Tiến cũng đã gặp không ít khó khăn. Ông bảo nó là vấn đề tình cảm, phong tục, rất nhạy cảm... không thể dùng quyền làm cha làm mẹ mà ép được. Cô con gái út của ông bà biết tin, phản đối: Bố mẹ người thế nào khi chết đi thì cứ để nguyên vẹn như thế đem chôn. Con không để cho người ta mổ xẻ vào thân xác cha mẹ đâu. Ông bà phải thuyết phục: “Khi chết đi rồi, xác thiêu thì thành tro, chôn thì cũng thối rữa ra hết có giữ mãi được đâu! Sao các con không để cho cha mẹ thoả nguyện khi qua đời còn làm được một việc có ích cuối cùng. Cái cốt yếu ở cuộc đời là đối xử tốt với nhau. Thế mới là có tình, có hiếu chứ!”

Hiện nay trong 2 lá đơn của ông bà, phần thủ tục dành cho bốn người con vẫn trống phần chữ ký! Ông bà Đàm Tiến thành thật: “Hơn một năm nay tuần nào chúng tôi cũng làm cơm mời con cháu về ăn uống vui vẻ để lựa lời thuyết phục. Tới nay mới chỉ hai đứa đồng ý nhưng chúng bảo cứ chờ đã, vội gì mà phải ký ngay!”

Không riêng gì ông bà Đàm Tiến mà hầu hết những trường hợp khác khi chúng tôi tiếp xúc cũng vậy. Cái “mắc” nhất của những người tự nguyện hiến xác cho khoa học là vấn đề thuyết phục người thân trong gia đình đồng thuận ký vào đơn và tự nguyện gọi điện báo ngay khi người hiến xác qua đời cho các trường Đại học nơi thân nhân họ đăng ký hiến xác.

Bác sĩ Quýnh cho biết, mặc dù một chồng đơn dày như thế nhưng trong vòng hơn chục năm nay Viện chỉ nhận được 6 xác hiến. Việc học tập của sinh viên trường Đại học Y Hà Nội là vô cùng khó khăn. Ở Mỹ 2-3 sinh viên được học trên một xác ướp còn ở ta thì tới 120 nên khó lòng đào tạo tốt được. Vừa rồi Viện phải mang xác từ thời Pháp ra cho sinh viên học. Việc nhận xác vô thừa nhận đã phức tạp về các thủ tục pháp lý, xử lý lại rất khó khăn vì đã để lưu ở môi trường không thuận lợi. Nhiều xác không còn nguyên vẹn, khi bơm hoá chất vào cứ bị xì ra...

Vấn đề “khó dễ” trong việc nhận xác hiến, theo ông Quýnh, ngay cả khi mọi người trong gia đình đã ký vào đơn hiến xác, họ chỉ... “quên” không gọi điện báo là xong! Có biết cũng không thể tự tìm đến được. Việc hiến xác sẽ không bao giờ thực hiện được nếu có một ai đó trong gia đình họ phản đối. Ông còn nhấn mạnh: trong lúc tang gia bối rối, cho dù có được pháp luật đồng ý, cho phép mà gia đình họ không đồng thuận thì cũng đành chịu thôi! Ai lại đi tranh giành, cưỡng chế được đây!?

Có một thực tế là ngay cả khi người chết họ không có di chúc tự nguyện hiến xác cho khoa học nhưng khi họ qua đời, gia đình họ có nguyện vọng hiến xác thì việc đó vẫn thực hiện được. Trường hợp của vận động viên Đỗ Xuân Tâm trong thời gian vừa qua là một ví dụ.

Vậy quyền hiến xác thuộc về ai?

 Minh Thụy/Vietnamnet

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý